Tại phiên họp ngày 22/9 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 75, Tổng thống Philippines, ông Rodgrigo Duterte đã có bài phát biểu trong đó “kiên quyết bác bỏ các nỗ lực phá hoại” phán quyết về Biển Đông và lên án các nhóm lợi ích “vũ khí hóa vấn đề nhân quyền”.
Philippines “kiên quyết bác bỏ các nỗ lực phá hoại” phán quyết về Biển Đông
Trong bài phát biểu trực tuyến của mình, Tổng thống Philippines đã khẳng định lại chiến thắng của nước này trước Trung Quốc trong vụ kiện về Biển Đông. Tổng thống Duterte nhấn mạnh, phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 trong đó bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với phần lớn diện tích Biển Đông là “không thể thỏa hiệp”. Ông khẳng định, Philippines “kiên quyết bác bỏ các nỗ lực phá hoại” phán quyết này.
Phán quyết về Biển Đông năm 2016 là một phần của luật pháp quốc tế được đưa ra dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, trong đó cho rằng yêu sách về “đường 9 đoạn” của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, Trung Quốc đã phớt lờ phán quyết và thường xuyên có các hoạt động cải tạo phi pháp và quân sự hóa ở Biển Đông, gây ra nhiều lo ngại cho các nước trong và ngoài khu vực.
Tổng thống Duterte cảm ơn các quốc gia đã ủng hộ phán quyết năm 2016. “Chúng tôi hoan nghênh ngày càng có nhiều quốc gia ủng hộ phán quyết và điều mà phán quyết đại diện – đó là chiến thắng của lẽ phải đối với sự liều lĩnh, chiến thắng của luật pháp đối với sự gây rối loạn, chiến thắng của tình hữu nghị trước tham vọng. Điều này là sự uy nghiêm của pháp luật”, ông Duterte nói.
Nhà lãnh đạo Philippines cho rằng căng thẳng địa chính trị tiếp tục gia tăng bất chấp đại dịch Covid-19; nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm leo thang căng thẳng vì các nước nhỏ sẽ không thể cạnh tranh.
Quyết tâm theo đuổi cuộc chiến chống ma túy
Trong bài phát biểu đầu tiên của mình trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Rodrigo Duterte cũng đã lên tiếng bảo vệ chiến dịch chống ma túy “gây tranh cãi” của Philippines. Ông cáo buộc các nhóm lợi ích khác nhau lợi dụng vấn đề nhân quyền “làm mất uy tín của các cơ chế và thể chế của một quốc gia dân chủ". Vị Tổng thống 75 tuổi khẳng định, chính phủ Philippines sẽ tiếp tục bảo vệ người dân Philippines, đặc biệt là trước vấn nạn buôn bán ma túy bất hợp pháp, tội phạm và khủng bố.
Theo các tổ chức nhân đạo, khoảng 30.000 người đã chết trong cuộc chiến chống ma túy do Tổng thống Philippines phát động. Trong bối cảnh các nhà điều tra của Liên Hợp Quốc kêu gọi chính phủ Philippines cho phép điều tra xem xét, Tổng thống Duterte đã sử dụng diễn đàn Liên Hợp Quốc lần này để yêu cầu các nước “đối thoại cở mở, tham gia mang tính chất xây dựng” về các vấn đề nhân quyền, nhưng trên nguyên tắc “khách quan và không can thiệp”.
Đây là lần đầu tiên Tổng thống Duterte tham gia kì họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sau nhiều lần cân nhắc kể từ đầu nhiệm kì của ông./.