Ngày 21/9, Ngoại trưởng Philippines, ông Teodoro Locsin Jr đảm bảo với các nhà lập pháp tại Manila rằng, một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông đang được đàm phán và Philippines sẽ không tuân theo lời kêu gọi của Bắc Kinh để xua đuổi các cường quốc phương Tây ra khỏi khu vực Biển Đông.
Thách thức yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông
Nhà ngoại giao hàng đầu của Philippines đưa ra thông điệp trên trong cuộc họp của Quốc hội nước này, vài ngày sau khi Trung Quốc gián tiếp kêu gọi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chống lại sự can thiệp của Mỹ vào tuyến đường thủy tranh chấp.
Ngoại trưởng Teodoro Locsin nhấn mạnh: “Yêu cầu của Trung Quốc là loại trừ các cường quốc phương Tây khỏi Biển Đông - điều mà sẽ không bao giờ được phép. Các cường quốc phương Tây phải hiện diện ở Biển Đông với tư cách là một bên cân bằng”.
Ông cho rằng quyền tự do của người dân Philippines phụ thuộc vào cán cân quyền lực ở Biển Đông. Philippines đảm bảo với các quốc gia phương Tây về sự hiện diện của họ ở khu vực này. Song Ngoại trưởng Teodoro Locsin không nói chi tiết quốc gia nào mà ông đang nhắc đến.
Tuyên bố trên của Locsin được cho là phản ứng lại lời kêu gọi của Đại sứ quán Trung Quốc vào tuần trước khi họ kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á chống lại ảnh hưởng của Mỹ trên Biển Đông và cáo buộc một số nước bên ngoài khu vực can thiệp vào các tranh chấp trên Biển Đông, cản trở quá trình tham vấn của Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Trong khi đó, Philippines khẳng định với tư cách điều phối viên quan hệ ASEAN-Trung Quốc, sẽ nối lại đàm phán COC vào tháng 11 tới bất chấp đại dịch Covid-19 đang hoành hành. ASEAN và Trung Quốc đã đàm phán về COC trong gần hai thập kỷ. Năm 2002, ASEAN và Bắc Kinh đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), trong đó nhất trí giải quyết các tranh chấp trên biển một cách hòa bình.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã tuyên bố quyền sở hữu đối với gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm cả những khu vực lấn chiếm vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác, với lý do “quyền lịch sử” và cái gọi là ranh giới “đường 9 đoạn” xuất hiện trên bản đồ hàng hải của Trung Quốc.
Năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye đã bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc sau khi Philippines tìm kiếm sự can thiệp của quốc tế vì Bắc Kinh đã giành được quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough ở Biển Đông vào năm 2012. Trung Quốc đã phớt lờ phán quyết này. Kể từ đó đến nay, Trung Quốc luôn có các hành động gây hấn trên Biển Đông với nhiều quốc gia.
Mỹ cứng rắn với Trung Quốc trên Biển Đông
Trước những yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông, Mỹ đã có những biện pháp cứng rắn bác bỏ các yêu sách của nước này, đồng thời ra lệnh trừng phạt với 24 công ty Trung Quốc có liên quan đến các hoạt động trái phép trên Biển Đông.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Mỹ trực tuyến hôm 10/9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thúc giục các quốc gia Đông Nam Á xem xét lại thỏa thuận với các công ty trên, kêu gọi các nước không để cho Trung Quốc lấn lướt và khẳng định, Mỹ sẽ hỗ trợ các quốc gia trong khu vực. Theo hãng tin AP, Ngoại trưởng Pompeo cho rằng Trung Quốc không tôn trọng các nguyên tắc về chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ được nêu trong Hiến chương ASEAN.
Cũng về Biển Đông, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 10 diễn ra trực tuyến tối 9/9, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, ông Pompeo cùng bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN và nhiều đối tác khác bày tỏ quan ngại về "những hành động hung hăng" của Trung Quốc trên vùng biển chiến lược này.
Trong cuộc họp, ông Pompeo tái khẳng định rằng dựa trên phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế hồi năm 2016 về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc, Mỹ xem hầu hết yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông là phi pháp.
Tuần trước, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, David Stilwell cáo buộc Trung Quốc “bắt nạt” các quốc gia Đông Nam Á trong việc lựa chọn giữa Bắc Kinh và Washington. Theo Benarnews, trao đổi với phóng viên ngày 15/9, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, David Stilwell nói :“Chúng tôi nhấn mạnh rằng các quốc gia được phép lựa chọn chủ quyền của riêng mình, theo những cách mà họ thấy phù hợp. Và nếu bạn nhìn vào hồ sơ, nếu bạn nhìn vào hành vi bắt nạt mà chúng ta đã thấy ở Biển Đông cũng như những nơi khác… thì chính Trung Quốc mới đang buộc các nước phải lựa chọn”.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cũng lưu ý, Mỹ đã duy trì sự hiện diện trong khu vực và thể hiện quyết tâm của trong việc ngăn chặn “chủ nghĩa phiêu lưu quân sự không được hoan nghênh và chắc chắn là vô ích".
Hiện nay, Philippines có tầm quan trọng đối với Mỹ không phải chỉ vì Manila là nơi đặt căn cứ hải quân ở nước ngoài lớn nhất của Mỹ, mà còn vì Manila là một đồng minh hiệp ước có liên quan trực tiếp vào các tranh chấp trên Biển Đông./.