Kiên định và độc lập từ tấm bé

Tân Tổng thống Pháp Emmanuel Jean-Michel Frédéric Macron sinh ngày 21/12/1977 tại Amiens. Bố ông- ông Jean-Michel Macron- là Giáo sư Thần kinh tại Đại học Picardy và mẹ ông, bà Françoise Noguès là một nhà vật lý học.

macron_hon_tay_vo_hinh_anh_hebg.jpg
Tổng thống đắc cử Macron và phu nhân (Ảnh: Reuters).

Dù cả bố và mẹ ông Macron đều không theo đạo, ông Macron đã nhất quyết đòi được rửa tội tại một nhà thờ Thiên chúa giáo La Mã khi ông mới chỉ 12 tuổi.

Lúc còn đi học, ông Macron rất thông minh và luôn nỗ lực học hành, điều này giúp ông trở thành một học sinh giỏi tại Trường Trung học Jésuites de la Providence.

Tuy nhiên, ông Macron khiến cha mẹ mình hết sức lo lắng khi “vướng vào lưới tình” với bà Brigitte Trogneux- giáo viên tại trường trung học của ông hơn ông tới 24 tuổi, đã từng kết hôn và có 3 đứa con.

Bất chấp khoảng cách về tuổi tác, tình cảm của hai người tiến triển rất nhanh chủ yếu xuất phát từ sự theo đuổi quyết liệt của ông Macron. Để ngăn chặn điều này, bố mẹ ông Macron đã phải chuyển ông đến một trường trung học ở thành phố khác với lý do “để ông chuyên tâm học hành”.

Dù vậy, với cá tính quyết liệt của mình, ông Macron đã hẹn thề với cô giáo-người tình của mình rằng, một ngày nào đó ông sẽ quay lại và cưới cô và ông đã giữ lời. Sau khi học xong trung học, ông nối lại tình cảm với bà Brigitte Trogneux. Bà Trogneux chấp nhận ly dị người chồng đầu tiên và kết hôn với ông Macron vào năm 2007.

Không bị ràng buộc bởi vòng danh lợi

Sau khi tốt nghiệp trung học, ông Macron theo học Triết học tại Đại học Paris-Ouest Nanterre La Défense. Sau đó, ông tiếp tục làm luận văn thạc sĩ về các vấn đề xã hội tại Viện Nghiên cứu Chính trị Paris. Cùng thời điểm đó, ông theo học tại Trường Quốc gia Hành chính Pháp.

Sau khi tốt nghiệp Trường Quốc gia Hành chính Pháp năm 2004, ông là Thanh tra Tài chính thuộc Bộ Kinh tế Pháp và chịu trách nhiệm soạn thảo báo cáo cho ông Jacques Attali- người đứng đầu Ủy ban Phụ trách Phát triển Kinh tế Pháp.

Năm 2008, chàng trai trẻ giàu tham vọng Macron được mời phụ trách hoạt động đầu tư tại Ngân hàng Rothschild & Cie danh tiếng. Dù đang có tương lai rất sán lạn tại Bộ Kinh tế Pháp, ông Macron vẫn quyết định “dứt áo ra đi” và chấp nhận chi trả 50.000 Euro tiền phá vỡ hợp đồng với Chính phủ Pháp.

Dù vậy, ông Macron vẫn theo đuổi sự nghiệp chính trị và chính thức gia nhập Đảng Xã hội vào năm 2006. Chỉ 3 năm sau, ông rời Đảng này vào năm 2009 và trở thành chính trị gia độc lập.

Tài năng của ông Macron đã giúp ông “lọt vào mắt xanh” của Tổng thống François Hollande và chính ông Hollade được cho là “người thầy lớn” giúp ông định hình sự nghiệp chính trị còn non trẻ của ông Macron. Năm 2012, khi ông Hollande trúng cử Tổng thống, ông Macron ngay lập tức có chân trong nhóm quan chức cấp cao tại Điện Elysse.

Sự nghiệp chính trị của ông Macron kể từ đó “phất lên như diều gặp gió”, vào ngày 26/8/2014, ông Macron được chỉ định làm Bộ trưởng Kinh tế Pháp thay thế ông Arnaud Montebourg trong Nội các của Thủ tướng Manuel Valls.

Trên cương vị Bộ trưởng Kinh tế, ông Macron đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ thân thiết giữa Chính phủ và doanh nghiệp. Ông Macron ủng hộ việc tạo ra một thị trường tự do và giảm thâm hụt tài chính công.

Suýt “tan sự nghiệp chính trị” vì quan điểm ngoại giao

Quan điểm ngoại giao của ông Macron phần nào gây tranh cãi và suýt khiến ông Macron phải “trả giá đắt” sau khi ông mô tả việc Pháp chiếm đóng Algeria trước đây là “tội ác chống lại nhân loại”.

Ngoài ra, ông Macron cùng từng bị đánh gia là “tiền hậu bất nhất” trong vấn đề Syria. Thoạt đầu, ông cho rằng, Pháp cần phải có một “cách tiếp cận cân bằng” trong vấn đề Syria và tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Tổng thống Syria Bashar-al Assad nếu thấy cần thiết.

Tuy nhiên, sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học xảy ra tại thị trấn Khan Shaykhun, ông Macron lại bất ngờ thay đổi thái độ và nhấn mạnh về khả năng can thiệp quân sự hòng lật đổ chế độ của ông Assad.

Quan điểm về người tị nạn của ông Macron cũng “hết sức khác biệt” với các thành viên Đảng Xã hội Pháp- bao gồm cả cựu Thủ tướng Manuel Valls. Được “truyền cảm hứng” từ chính sách mở cửa tiếp nhận người nhập cư của Thủ tướng Đức Angele Merkel, ông Macron tuyên bố Pháp đủ khả năng tiếp nhận thêm nhiều người nhập cư nữa và kêu gọi người dân cần “bao dung hơn” với những người thuộc các tôn giáo khác.

Thành lập Phong trào Tiến bước, tiến thẳng đến Điện Elysse

Sau khi từ bỏ mọi chức vụ trong chính quyền, ông Macron thành lập Phong trào Tiến bước vào ngày 6/4/2016 và công khai tuyên bố ý định tranh cử Tổng thống Pháp 2017 vào tháng 11/2016.

Trong cương lĩnh tranh cử của mình, ông Macron cam kết sẽ “cởi trói cho nước Pháp” và kêu gọi tiến hành “một cuộc cách mạng dân chủ”. Cam kết của ông nhận được nhiều sự ủng hộ của các nhân vật chính trị tầm cỡ của Pháp như François Bayrou, Daniel Cohn-Bendit, François de Rugy và Richard Ferrand.

Thành công của ông Macron được cho là xuất phát từ những quan điểm hết sức tiến bộ của Phong trào Tiến bước, đủ khả năng kết nối cả những người theo cánh tả và cánh hữu và chiến thắng vang dội của ông trước đối thủ Le Pen được cho là “hoàn toàn nằm trong dự đoán”. Chiến thắng ấy đã giúp thủ lĩnh Phong trào Tiến bước dễ dàng tiến thẳng đến Điện Elysse và trở thành vị Tổng thống trẻ nhất trong lịch sử Pháp./.