Tuyên bố được ông Emmanuel Macron đưa ra trong buổi họp báo tại Phủ Tổng thống Pháp sáng ngày 28/09, nhân buổi tiếp Thủ tướng Hy Lạp, Kyriakos Mitsotakis. Theo ông Macron, cuộc khủng hoảng tàu ngầm với Australia sẽ không thay đổi bất cứ điều gì liên quan đến chiến lược của Pháp tại Ấn Độ-Thái Bình Dương, đồng thời cho biết tác động của sự việc này đến lợi ích kinh tế, cũng như lĩnh vực việc làm tại Pháp là tương đối hạn chế.
Đây là lần đầu tiên Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công khai phát biểu về vụ việc Australia hôm 15/09 ra thông báo hủy hợp đồng mua 12 tàu ngầm trị giá đến 56 tỷ euro ký với Pháp năm 2016 để chuyển sang mua 8 tàu ngầm động cơ hạt nhân của Mỹ, như một phần trong thỏa thuận liên minh an ninh Aukus giữa Australia, Anh và Mỹ.
Sự kiện này đã tạo ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng giữa Pháp với Mỹ, Anh và Australia. Ông Macron đã quyết định triệu tập Đại sứ Pháp tại Mỹ và Australia về nước, đồng thời im lặng không lên tiếng trong một thời gian dài, nhường việc công kích các đồng minh cho Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian và Bộ trưởng Quân đội Florence Parly.
Hiện tại, gần 2 tuần sau sự việc, căng thẳng giữa Pháp với Mỹ và Anh đã hạ nhiệt sau các cuộc điện đàm giữa ông Emmanuel Macron với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson. Pháp cũng đã cử Đại sứ nước này tại Mỹ quay trở lại Mỹ trong tuần này. Tuy nhiên, phía Pháp vẫn đang từ chối tiếp xúc và thảo luận với Australia. Cũng trong sáng ngày 28/09, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng Thủ tướng Hy Lạp, Kyriakos Mitsotakis đã chứng kiến lễ ký hợp đồng Hy Lạp mua 3 tàu chiến của Pháp. Thông tin ban đầu cho thấy, hợp đồng có trị giá 5 tỷ euro, kèm theo điều khoản Hy Lạp có thể mua tàu thứ 4.
Trong hai năm qua, sau khi xảy ra các căng thẳng ngoại giao-quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ tại Đông Địa Trung Hải, Hy Lạp đang tăng tốc mua sắm vũ khí từ Pháp. Trước hợp đồng mua 3 tàu chiến hôm nay, Hy Lạp cũng đã ký hợp đồng mua 24 máy bay chiến đấu Rafale của Pháp./.