Đây được xem là cuộc bầu cử khiến cử tri Pháp và dư luận không khỏi đắn đo khi một mặt vừa muốn trao cho đảng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chiến thắng vang dội lại vừa muốn tạo thế đối trọng trong Quốc hội.

bau_cu_phap_bbc_ldrg.jpg
Vợ chồng Tổng thống Pháp Macron đi bỏ phiếu. Ảnh: BBC.

Tại vòng một diễn ra vào ngày 11/6 vừa qua, đảng Nền Cộng hòa Tiến bước (REM) của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, mặc dù mới chỉ được thành lập cách đây hơn 1 năm song đã giành chiến thắng vang dội với 32,3% số phiếu bầu, đứng trên đảng cánh hữu Những người Cộng hòa (21,5%), đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (13,2%); phong trào cực tả Nước Pháp bất khuất (13,7%), và đảng Xã hội cánh tả (9,5%). Thực tế là nhiều chính khách tên tuổi đến từ các đảng truyền thống đã bị thất cử hoặc yếu thế hơn trước các ứng cử viên của đảng Cộng hòa Tiến bước tại cuộc bầu cử vòng một.

Với kết quả này, đảng Nền Cộng hòa Tiến bước và đảng liên minh cánh trung Phong trào Dân chủ (MoDem) dự kiến sẽ giành được từ 440 đến 470 trong tổng số 577 ghế của Hạ viện khóa mới, tức là chiếm đa số ghế trong Quốc hội.

Đây được xem là một chiến thắng lịch sử, vượt xa mức đa số tuyệt đối cần thiết, tạo thuận lợi để Tổng thống Macron tiến hành cải cách sâu rộng hệ thống chính trị và nền kinh tế đất nước. Đề cập đến xu thế chiến thắng vang dội của đảng Nền Cộng hòa Tiến bước tại vòng hai, báo chí Pháp đã gọi đây là “cơn sóng”, “trận đại hồng thủy”, thậm chí là “vụ nổ big bang”.

Kết quả bầu cử cũng cho thấy , cử tri Pháp đã đặt niềm tin gần như tuyệt đối cho vị Tổng thống trẻ tuổi và đảng của ông. Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát do hãng Elabe thực hiện cho kênh truyền hình BFMTV công bố mới nhất trước ngày bầu cử, 61% cử tri Pháp mong muốn được điều chỉnh kết quả cuộc bầu cử vòng một do có tâm lý e ngại rằng việc đảng Nền Cộng hòa Tiến bước chiếm đa số áp đảo quá lớn, sẽ dẫn đến tình trạng phe đối lập quá yếu và không còn các cuộc tranh luận nghị trường. Tình trạng đó có thể dẫn đến gia tăng căng thẳng trong xã hội được thể hiện qua các cuộc biểu tình rầm rộ, như những gì đã diễn ra trong năm 2016 với việc thông qua luật Lao động sửa đổi.

Một số cử tri Pháp trăn trở: “Sẽ là bất thường nếu không có ý kiến phản biện. Sẽ chẳng bao giờ một xã hội được xem là dân chủ nếu không có sự tranh luận”

“Khi bạn có quyền lực quá lớn, ban sẽ rất dễ trở thành độc tài và lúc đó sẽ không còn dân chủ nữa.”

Nhiều đảng đối lập cũng đã lên tiếng kêu gọi cử tri cân nhắc khi bỏ lá phiếu nhằm tạo thế đối trọng trong Quốc hội. Threo cách lập luận của người đứng đầu đảng Những người Cộng hòa (LR), ông François Baroin”, “một đa số tuyệt đối có nguy cơ đè bẹp các cuộc tranh luận”.

Chia sẻ quan điểm nói trên, về phía cánh tả, cựu Bộ trưởng Tư pháp, bà Christiane Taubira cho rằng cần tránh “sự tập trung quyền lực, bởi vì đây là một thách thức đối với nền dân chủ”.

Theo kế hoạch, các điểm bỏ phiếu trên khắp nước Pháp dự kiến mở cửa vào lúc 8hsáng (giờ địa phương), (tức 13h giờ Việt Nam).

Các điểm bỏ phiếu sẽ đóng cửa vào lúc 18h (giờ địa phương) tại các thị trấn nhỏ và vừa và vào khoảng 20hi tại thủ đô Paris và các thành phố lớn khác ở Pháp. Quá trình kiểm phiếu sẽ bắt đầu ngay khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa và kết quả sẽ được công bố trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, hôm qua (17/6), một số điểm bỏ phiếu trong vòng hai cuộc bầu cử Quốc hội Pháp đã bắt đầu mở cửa phục vụ các cử tri ở Vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Pháp./.