Động thái này của ông Obama được cho là nỗ lực nhằm xoa dịu những quan ngại của Iran về việc Mỹ có thể đi ngược lại thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa nước Cộng hòa Hồi giáo này và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức).

obama_nlmm.jpg
Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: AP

Trước đó, Văn phòng Tổng thống Mỹ thông báo ông Obama sẽ ký gia hạn lệnh trừng phạt đối với Iran trong 10 năm tới. Nhưng thời hạn chót là nửa đêm 14/12 trôi đi mà Tổng thống Obamag vẫn không ký văn bản này.

Thực chất, cả 2 viện Quốc hội Mỹ đã thông qua việc gia hạn Đạo luật trừng phạt Iran (ISA). Theo Hiến pháp, Tổng thống có 10 ngày để phủ quyết hoặc ký thành luật hoặc không có ý kiến gì về dự luật này.

Trong trường hợp Tổng thống Obama không có ý kiến gì như lần này, nếu Quốc hội đang tạm nghỉ thì dự luật chưa thể trở thành luật. Ngược lại, do về mặt lý thuyết Quốc hội Mỹ vẫn hoạt động dù một số nghị sỹ đã bắt đầu kỳ nghỉ, nên việc gia hạn trừng phạt Iran đã tự động trở thành luật.

Thư ký Văn phòng Tổng thống Mỹ Josh Earnest cho biết, Tổng thống Obama đã quyết định để các biện pháp trừng phạt Iran trở thành luật mà không cần tới chữ ký của ông. Hành động này cho thấy nỗ lực mang tính biểu tượng của ông Obama nhằm thể hiện bất đồng với quyết định của Quốc hội.

Văn phòng Tổng thống Mỹ cho rằng việc gia hạn các lệnh trừng phạt là không cần thiết bởi chính quyền Mỹ vẫn duy trì các cơ chế khác để trừng phạt Iran nếu cần thiết trong khi hành động gia hạn trừng phạt này có thể ảnh hưởng đến thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với nhóm P5+1.

Mặt khác, chính quyền của Tổng thống Obama cũng tin rằng Iran sẽ không chịu ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt vừa được gia hạn chừng nào nước này còn tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận hạt nhân.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng, “việc gia hạn Đạo luật trừng phạt Iran không ảnh hưởng đến quy mô dỡ bỏ các lệnh trừng phạt cũng như khả năng các doanh nghiệp có thể làm ăn với nước này theo thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1".

Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt này đối với Iran từ năm 1996 và đã vài lần gia hạn các biện pháp này. Các nghị sỹ Mỹ cho rằng việc tiếp tục gia hạn lệnh trừng phạt này là để duy trì áp lực cần thiết để Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân cũng như ngăn chặn Iran có những bước tiến nhằm gây bất ổn cho khu vực.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chỉ trích mạnh mẽ thỏa thuận hạt nhân giữa nhóm P5+1 với Iran và đã đe dọa sẽ đàm phán lại thỏa thuận này. Israel cũng tuyên bố sẽ vận động hành lang để ông Trăm làm điều đó.

Iran đã tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả nếu Mỹ gia hạn các lệnh trừng phạt mà nước này cho là vi phạm thỏa thuận hạt nhân giữ các bên.

Chính phủ Iran đã khiếu nại lên Liên Hợp Quốc vấn đề này. Cùng với đó, ngày 13/12 vừa qua Tổng thống Iran công bố kế hoạch đóng những con tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân./.