Điện Kremlin cho biết, cuộc điện đàm diễn ra theo sáng kiến của Armenia. Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã thảo luận về tình hình của nước cộng hòa này. Nhà lãnh đạo Nga ủng hộ việc duy trì trật tự và bình yên ở Armenia, giải quyết tình hình trong khuôn khổ luật pháp.
Trước đó, trong ngày 25/2, các cuộc diễu hành của những người chống đối và ủng hộ Thủ tướng Pashinyan đã xảy ra ở Armenia, sau khi Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang ra tuyên bố yêu cầu thủ tướng và chính phủ từ chức. Tuyên bố do Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Onik Gasparyan, các cấp phó, người đứng đầu các cục và quân đoàn ký. Thủ tướng Pashinyan coi đây là một âm mưu đảo chính quân sự và đã thông báo quyết định cách chức Tổng tham mưu trưởng.
Cuộc khủng hoảng lần này ở Armenia bắt nguồn từ Thủ tướng Pashinyan tuyên bố rằng tổ hợp tên lửa Iskander mua từ Nga bị lỗi. Điều này làm dấy lên sự phẫn nộ của quân đội và phe đối lập, họ bày tỏ quan điểm rằng đây là cách Thủ tướng đang cố gắng biện minh cho những thất bại của mình.
Theo đề nghị của Thủ tướng, Tổng thống Armen Sarkissian đã cách chức phó Tổng tham mưu trưởng thứ nhất Tiran Khachatrian, người đã chế nhạo những tuyên bố của người đứng đầu chính phủ về tổ hợp Iskander. Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng vũ trang Armenia bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ liên quan đến việc cách chức Phó Tổng tham mưu trưởng thứ nhất vì những lý do mà Bộ này cho là “thiển cận và vô lý, được thực hiện mà không tính đến lợi ích quốc gia và nhà nước của nước Cộng hòa Armenia, chỉ dựa trên cảm xúc cá nhân. Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, quyết định như vậy là một bước đi chống phá nhà nước và vô trách nhiệm”.
Trước đó, xếp hạng tín nhiệm của Thủ tướng Pashinyan giảm mạnh sau khi ký thỏa thuận đình chiến với Baku ở Nagorno-Karabakh vào mùa thu năm ngoái. Yerevan phải chuyển giao cho Azerbaijan các quận Kelbajar, Lachin và Aghdam. Sau đó, các cuộc biểu tình bắt đầu ở thủ đô của Armenia.
Phe đối lập cho rằng, tuyên bố chung do Thủ tướng Armenia ký ngày 10/11 với Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Azerbaijan Ilham Aliyev về việc chấm dứt hoàn toàn các hành động thù địch ở Nagorno-Karabakh trên thực tế đã trở thành một sự đầu hàng. Các đối thủ của ông Pashinyan cũng bắt ông phải chịu trách nhiệm về các vấn đề kinh tế và xã hội của nước cộng hòa. Trước tình hình này, cuối tháng 12/2020, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã mời các lực lượng chính trị của đất nước tham vấn về việc tổ chức bầu cử Quốc hội sớm vào năm 2021. Bản thân ông tuyên bố không từ chức, khi cho rằng, bất kỳ sự thay đổi chính phủ nào cũng chỉ diễn ra thông qua bầu cử./.