Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 23/7 đã rời thủ đô Washington bắt đầu chuyến công du thăm hai nước châu Phi là Kenya và Ethiopia, đồng thời thăm trụ sở của Liên minh châu Phi (AU).

Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ giúp châu lục nghèo trong vấn đề thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường các thiết chế dân chủ, đặc biệt là trong cuộc chiến chống khủng bố và cải thiện tình hình an ninh.

tong_thong_my_usxr.jpg
Tổng thống Mỹ Obama lên chuyên cơ chuẩn bị đến châu Phi (Ảnh AP)

Chuyên cơ của Tổng thống Mỹ sẽ hạ cánh xuống Kenya vào ngà 24/7 (theo giờ địa phương). Với chặng dừng chân đầu tiên tại Kenya, đây là lần đầu tiên ông Obama trở về thăm quê hương của cha mình trên cương vị Tổng thống Mỹ.

Trong thời gian ở Nairobi, ngoài việc hội đàm với các nhà lãnh đạo nước chủ nhà Kenya, Tổng thống Obama dự kiến sẽ có bài phát biểu trước người dân Kenya, trong đó nêu bật các cam kết của Mỹ đối với nước này.

Sau chuyến thăm Kenya, ông Obama sẽ sang Ethiopia. Tổng thống Obama cũng sẽ trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm trụ sở Liên minh châu Phi (AU) tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia.

Thông cáo báo chí của Nhà Trắng cho biết trọng tâm chuyến thăm châu Phi lần thứ 4 này của Tổng thống Obama là thảo luận với các nhà lãnh đạo Kenya, Ethiopia và Liên minh châu Phi về các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường các thiết chế dân chủ, hợp tác chống khủng bố và cải thiện tình hình an ninh.

Chuyến thăm của Tổng thống Obama diễn ra vài ngày sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng cảnh báo về nguy cơ có thể xảy ra các vụ tấn công khủng bố tại châu Phi, trong đó có Kenya.

Hồi tháng 4 vừa qua, một cuộc thảm sát xảy ra tại Kenya, gần biên giới với Somalia đã khiến 148 người thiệt mạng. Tình trạng bạo lực gia tăng đã gây tổn thất cho ngành du lịch, vốn được coi là một trong những ngành xương sống của nền kinh tế lớn nhất Đông Phi.

Do đó, nhiều người dân Kenya hi vọng, qua chuyến thăm của Tổng thống Mỹ, Kenya sẽ nhận thêm được nhiều sự hỗ trợ từ Mỹ trong cuộc chiến chống lại các tay súng Hồi giáo.  

“Khi các nhà đầu tư đến Kenia, tôi chắc chắn rằng, điều đầu tiên họ quan tâm tới là tình hình an ninh. Do đó, an ninh cần phải là vấn đề ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự và trong chuyến thăm của ông Obama tới Kenia, vấn đề chia sẻ thông tin tình báo, trang bị cho các lực lượng an ninh Kenia và huấn luyện các lực lượng này, đều cần phải là những ưu tiên hàng đầu”, một người Kenya cho biết.

Theo giới phân tích, châu Phi nói chung và Kenya nói riêng hiện đang rất cần thêm sự giúp đỡ từ các đồng minh trong vấn đề tình báo, giám sát nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố. Và Mỹ được coi là đối tác hàng đầu có thể giúp châu Phi trong vấn đề này.

Ông Mbijiwe, nhà phân tích an ninh và chống khủng bố cho biết: “Mỹ có rất nhiều kinh nghiệm trong vấn đề chống khủng bố. Từ sau sự kiện ngày 11/9, nước Mỹ hoàn toàn thay đổi và có những kinh nghiệm chống khủng bố để các nước phải học hỏi. Vì thế, Tổng thống Kenya sẽ muốn học hỏi những kinh nghiệm chống khủng bố từ Tổng thống Mỹ, học cách làm thế nào để cải thiện an ninh quốc gia của Kenya. Mỹ có thể chia sẻ với chúng tôi những kinh nghiệm này”.

Trước khi rời Washington, ông Obama cũng cho biết ông hồi hộp với chuyến thăm trở về lục địa quê hương của mình. Theo người đứng đầu Nhà Trắng, các mối liên hệ của Mỹ với châu Phi là sâu đậm và có từ lâu, nhưng khá phức tạp và cũng đã có nhiều lúc hiểu sai về nhau. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh, tiềm năng và các cơ hội hợp tác giữa 2 bên đang rộng mở./.