Ngày 11/11, Tòa Hiến pháp Tây Ban Nha đã tiếp nhận vụ kiện từ Chính phủ Tây Ban Nha nhằm phản đối nghị quyết mới của nghị viện vùng Catalonia về việc tách khỏi Tây Ban Nha.
Một cuộc biểu tình đòi tách ra khỏi Tây Ban Nha của người dân xứ Catalonia. Ảnh Telegraph |
Theo yêu cầu từ phía Chính phủ Tây Ban Nha, Tòa Hiến pháp sẽ gửi thông báo trực tiếp tới từng cá nhân trong nhóm 21 lãnh đạo của xứ Catalonia về những hậu quả có thể xảy ra nếu họ không tôn trọng quyết định của tòa án.
Trong số này có người đứng đầu chính quyền Catalonia Artur Mas, và người đứng đầu cơ quan lập pháp xứ Catalonia Carme Forcadell. Một nguồn tin từ tòa án cho biết họ có thể sẽ bị buộc tội không tuân thủ nếu bỏ qua phán quyết của tòa.
Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy tuyên bố sẽ không cho phép vùng Catalonia tiến hành quá trình tách khỏi quốc gia này.
Trong buổi họp báo sau phiên họp Nội các bất thường, Thủ tướng Rajoy một lần nữa khẳng định, Hiến pháp Tây Ban Nha không cho phép bất cứ khu vực nào tách khỏi nước này.
“Họ đang muốn phá vỡ mọi thứ. Ý định đó sẽ hủy hoại sự thống nhất của một quốc gia với hơn 500 năm lịch sử. Nó sẽ phá hủy sự toàn vẹn lãnh thổ và lấy đi một phần của đất nước Tây Ban Nha.
Chính những người dân Tây Ban Nha ở Catalonia mới có quyền quyết định quốc gia của họ là gì. Những gì họ đang làm là vi phạm pháp luật, dân chủ và các quyền cơ bản của công dân. Chúng tôi sẽ không chấp nhận để điều đó xảy ra”, ông Rajoy nói.
Trước đó, ngày 9/11, với 72 phiếu thuận và 63 phiếu chống, nghị viện vùng Rajoy đã thông qua nghị quyết thúc đẩy quá trình độc lập, tách khỏi Tây Ban Nha để thành lập một nhà nước dân chủ riêng.
Nghị quyết kêu gọi thiết lập một hệ thống an ninh và ngân quỹ trong vòng 30 ngày kể từ khi nghị quyết được thông qua và hoàn tất quá trình độc lập trong vòng 18 tháng.
Nghị quyết này cũng tuyên bố nghị viện vùng Rajoy là cơ quan độc lập và không chịu ràng buộc bởi bất kỳ quyết định nào từ phía cơ quan lập pháp Tây Ban Nha, trong đó bao gồm Tòa Hiến pháp nước này./.