Ngày 9/11, vùng Catalonia ở Đông Bắc Tây Ban Nha đã bắt đầu tiến hành cuộc thăm dò dư luận mang tính tượng trưng về độc lập cho mình, bất chấp những phản đối kịch liệt của chính quyền Madrid. Các cử tri đã xếp hàng tại các điểm bỏ phiếu được mở cửa từ lúc 9h sáng theo giờ địa phương. Những người tham gia bỏ phiếu trả lời 2 câu hỏi: "Catalonia có nên trở thành một nhà nước hay không?", "Nếu có, Catalonia có nên độc lập hay không?" 

catolonia_ajop.jpgHuấn luyện viên đội bóng Bayern Munich - một người vùng Catalonia đi bỏ phiếu (ảnh: EPA)

Cuộc thăm dò do 41.000 tình nguyện viên thực hiện. Ước tính, khoảng 5,4 triệu người dân Catalonia và những người nước ngoài trên 16 tuổi được phép tham gia bỏ phiếu. Kết quả thăm dò sẽ được công bố vào ngày 10/11.

Phát biểu tại một điểm bỏ phiếu, người đứng đầu Catalonia, ông Artur Mas cho biết rất hài lòng với tỉ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu trong cuộc thăm dò này: “Bất chấp những khó khăn, chúng tôi vẫn tổ chức cuộc bỏ phiếu vào ngày 9/11. Các điểm bỏ phiếu được mở ở Catalonia và có rất nhiều người dân tham gia sự kiện đặc biệt này. Chúng tôi có quyền để tiến hành cuộc thăm dò này và chính quyền Madrid cần phải hiểu điều đó. Tuy nhiên, nếu như họ không chịu hiểu thì chúng tôi vẫn sẽ thúc đẩy tiến trình này. Đây là lựa chọn của chúng tôi và chúng tôi sẽ cố gắng vì điều này”.

Trước đó, chính quyền vùng Catalonia dự định tiến hành một cuộc thăm dò chính thức về độc lập cho vùng này, song do vấp phải sức ép từ chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy và đặc biệt là phán quyết của Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha, yêu cầu phải đình chỉ cuộc trưng cầu dân ý chính thức nên đã phải chuyển thành một cuộc thăm dò không mang tính bắt buộc. Chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy cam kết sẽ bảo vệ sự thống nhất đất nước trong bối cảnh nền kinh tế đang từng bước phục hồi sau cuộc khủng hoảng sâu.

Catalonia là một trong những vùng phát triển nhất ở Tây Ban Nha, tạo ra 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 25% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, khu vực này cũng phải chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc suy thoái kinh tế kéo dài suốt 5 năm qua ở nước này.

Niềm tự hào về ngôn ngữ và di sản văn hóa riêng, cộng với những bất bình liên quan vấn đề phân bổ ngân sách từ chính quyền trung ương là nguyên nhân khiến người theo chủ nghĩa dân tộc ở Catalonia tìm cách thúc đẩy kế hoạch tách vùng này khỏi Tây Ban Nha./.