Ngày 7/11 tờ New York Times đưa tin mỗi năm Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) thanh toán biên lai 10 triệu USD cho các nhà mạng để thu thập thông tin.

Thông tin trên đưa ra trong bối cảnh, vụ bê bối nghe lén không chỉ khiến hoạt động tình báo Mỹ “lao đao” mà Anh, đồng minh thân cận với Mỹ cũng đã phải liên tiếp đưa ra những lời giải thích đối với các đối tác.

un_copy.jpg
Vấn đề do thám của Mỹ đã bị Đức và Brazil đệ trình lên Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (Ảnh AFP)

Tờ New York Times dẫn lời các quan chức chính phủ Mỹ cho biết: mỗi năm Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ thanh toán biên lai 10 triệu USD cho nhà mạng AT&T để đổi lại dữ liệu về các cuộc điện thoại nhằm phục vụ công tác điều tra chống khủng bố ở nước ngoài.

Việc hợp tác giữa nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động lớn thứ hai của Mỹ và Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện, chứ không phải do trát hay lệnh của tòa án.

Thỏa thuận về sự hợp tác giữa Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ và nhà mạng AT&T được tiết lộ trong bối cảnh làn sóng phản ứng chính trị ngày càng lan rộng sau khi cựu kỹ thuật viên của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden tiết lộ nhiều thông tin gây chấn động.

Trong đó có việc cơ quan Tình báo Thông tin của Vương quốc Anh (GCHQ) - vốn có mối quan hệ thân cận với Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ - nắm giữ vai trò lãnh đạo trong việc hỗ trợ các nước khác “lách” các đạo luật hạn chế do thám.

Vụ việc tiếp tục bị đẩy lên cao khi Bộ Ngoại giao Đức ngày 5/11 vừa qua đã yêu cầu Đại sứ Anh tại Đức tới để thảo luận sau những thông tin nói rằng Anh đang điều hành một trạm do thám bí mật, sử dụng thiết bị công nghệ cao đặt trên nóc tòa nhà đại sứ quán của nước này ở thủ đô Berlin.

Giới chức Anh sau đó đã phải đồng loạt lên tiếng trấn an dư luận. Ngoại trưởng Anh William Hague trong một cuộc trả lời phỏng vấn Kênh truyền hình 4 của Anh hôm 7/11 đã lên tiếng bác bỏ những thông tin trên.

“Tôi không muốn khẳng định hay phủ nhận những thông tin như vậy. Đây là một lý do tôi có thể nói là đúng đắn cho dù thông tin đó không đúng sự thật. Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, chúng tôi không thể nói rõ ở đây vì nó còn ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các đối tác trong đó có Đức. Chúng tôi làm việc trong một khuôn khổ pháp lý với Đức ”, ông Hague nhấn mạnh.

Trong khi đó, người đứng đầu Cơ quan tình báo Anh, John Sawers trong phiên điều trần trước Quốc hội Anh 7/11 đã lên tiếng chỉ trích các tiết lộ thông tin của cựu nhân viên tình báo Mỹ Snowden, cho rằng những tiết lộ này đã tiếp tay cho các phần tử al-Qaeda, đẩy các hoạt động tình báo thế giới vào thế nguy hiểm.

Ông Sawers cũng cho biết các tiết lộ tình báo của Snowden cũng đã khiến các cơ quan tình báo của Anh phải công khai hơn về những hoạt động mà họ đang làm.

 “Vụ rò rỉ thông tin của Snowden thực sự đã gây thiệt hại rất lớn, đẩy các hoạt động tình báo trên khắp thế giới vào thế nguy hiểm. Những thông tin này có thể đang bị các phần tử al-Qaeda khai thác triệt để”

Chưa biết là vụ bê bối nghe lén rồi sẽ đi đến đâu song một thực tế là những thông tin về nghe lén từ tài liệu mật do cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ Snowden tiết lộ đang khiến mối quan hệ giữa các nước đồng minh phương Tây bị ảnh hưởng nặng nề. Dư luận nhiều nước đã lên tiếng phản đối hoạt động do thám quá đà.

Trong một diễn biến mới nhất, Đức và Brazil hôm 7/11 đã chính thức trình Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc dự thảo nghị quyết kêu gọi chấm dứt các hoạt động do thám điện tử quá mức, việc thu thập dữ liệu cũng như vi phạm quyền riêng tư khác.

Văn kiện không đề cập cụ thể tên quốc gia nào. Tuy nhiên, theo các nhà ngoại giao châu Âu, đây là một cuộc tấn công nhằm vào Mỹ, vốn đang phải “đau đầu” trước hàng loạt thông tin động trời về việc nước này tiến hành giám sát tình báo đối với 35 lãnh đạo nước ngoài, trong đó có Đức và Brazil.

Phát biểu tại Liên Hợp Quốc, Đại sứ Đức tại Liên Hợp Quốc, Peter Witting nói: “Trong một vài tháng qua có nhiều thông tin đề cập về tình trạng nghe lén và thu thập thông tin cá nhân, những thông tin đang làm rúng động nhiều người dân ở trên khắp thế giới.

Một câu hỏi đặt ra ở đây là quyền của người dân liệu đã được bảo vệ một cách hiệu quả trong thế giới kỹ thuật số hay chưa? Làm thế nào để chúng ta có thể bảo vệ quyền con người một cách hiệu quả? Đức và Brazil tin tưởng rằng những câu hỏi phức tạp và song quan trọng này  cần có một câu trả lời của cộng đồng quốc tế. Nhân đây, chúng tôi muốn đưa vấn đề này ra thảo luận trước Liên Hợp Quốc.”

Dự thảo nghị quyết của Brazil và Đức kêu gọi chính phủ của 193 nước thành viên Liên Hợp Quốc cần có những biện pháp hiệu quả nhằm chấm dứt hành động vi phạm các quyền cá nhân đi đôi với thiết lập các cơ chế giám sát quốc gia độc lập. Dự kiến, văn kiện sẽ được đưa ra thảo luận tại một ủy ban của Liên Hợp Quốc trong tháng này và sau đó sẽ được các nước thành viên Liên Hợp Quốc bỏ phiếu vào tháng 12 tới.

Nếu được thông qua, nghị quyết không mang tính pháp lý bắt buộc, nhưng thể hiện sự không đồng tình của cộng đồng quốc tế đối với hoạt động do thám của Mỹ./.