Ngày 1/11, Đức và Brazil đã trình lên Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc một bản dự thảo nghị quyết, trong đó kêu gọi chấm dứt các hoạt động do thám điện tử quá mức cũng như việc thu thập dữ liệu vi phạm quyền cá nhân.

Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh hàng loạt thông tin động trời về việc Mỹ tiến hành giám sát tình báo đối với 35 lãnh đạo nước ngoài, trong đó có hai quốc gia nêu ở trên.

duc1.jpg
Thủ tướng Đức Angela Merkel rất bực tức về hành động nghe lén của Mỹ (Ảnh: PressTV)

Dự thảo nghị quyết của Đức và Brazil được công bố tại cuộc họp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc diễn ra ở thành phố New York, Mỹ, bày tỏ sự quan ngại sâu sắc liên quan đến vấn đề vi phạm nhân quyền và các hoạt động do thám thông tin, bao gồm giám sát thông tin ngoài lãnh thổ, bị lạm dụng quá mức.

Trong dự thảo nghị quyết này, Đức và Brazil kêu gọi chính phủ của 193 nước thành viên Liên Hợp Quốc cần có những biện pháp hiệu quả nhằm chấm dứt hành động vi phạm các quyền nói trên đi đôi với thiết lập các cơ chế giám sát quốc gia độc lập.

Đức và Brazil cũng đề nghị Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Navi Pillay công bố báo cáo liên quan đến công tác bảo vệ quyền riêng tư cá nhân trong bối cảnh diễn ra loạt hoạt động giám sát, thu thập dữ liệu lớn. Bản dự thảo này sẽ được đưa ra thảo luận tại một Ủy ban của Liên Hợp Quốc trong tháng 11 và sau đó sẽ được các nước thành viên Liên Hợp quốc bỏ phiếu vào tháng 12 tới.

Nếu được thông qua, nghị quyết không mang tính pháp lý bắt buộc, nhưng thể hiện sự không đồng tình của cộng đồng quốc tế đối với hoạt động do thám của Mỹ.

Trong một diễn biến liên quan, nghị sỹ Hans Christian Stroebele thuộc đảng Xanh của Đức ngày 31/10 đã có cuộc gặp với ông Snowden tại Moscow của Nga về chương trình do thám của Mỹ nhằm vào Đức. Trong buổi họp báo ngày 1/11, ông Stroebele đã công bố lá thư của ông Snowden gửi Thủ tướng Đức Merkel.

“Ông Snowden đã cho phép tôi tiết lộ về cuộc thảo luận ngày 1/11 rằng, ông ấy rất quan tâm tới việc làm sáng tỏ toàn bộ câu chuyện này. Điều đó không chỉ để giúp chính bản thân ông ta, mà còn để ngăn chặn các hành động tội phạm, những diễn biến sai lệch liên quan tới quyền được bảo vệ thông tin của hàng triệu người dân ở châu Âu, ở Đức, ở Mỹ và việc bảo vệ họ trong tương lai”, ông  Stroebele nói.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức Hans-Peter Friedrich đã hoan nghênh cuộc gặp giữa nghị sỹ Đức Stroebele với cựu nhân viên Cục tình báo Trung ương Mỹ Snowden.

Ông Friedrich cho biết, chính phủ Đức sẵn sàng thảo luận với Snowden. Ông Friedrich sẽ tìm cách sắp xếp một cuộc gặp giữa các điều tra viên Đức với Snowden nếu ông này sẵn sàng cung cấp chi tiết về cáo buộc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) do thám thông tin liên lạc của Thủ tướng Đức Mécken các chính trị gia khác.

“Tôi không biết ông Stroebele đã thảo luận với ông Snowden những gì, nhưng nếu ông Snowden muốn tiết lộ thông tin với chúng tôi điều gì đó, chúng tôi sẵn sàng gặp ông”. Ông Rriedrich nói.

Quốc hội Đức dự kiến thảo luận về các hoạt động do thám của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ vào ngày 18/11 tới. Nghị sỹ đảng Dân chủ xã hội Thomas Oppermann cho rằng, ông Stroebele không chỉ là người phát hiện ra, mà còn là nhân chứng, vì ông đã có cuộc trò cuyện với ông Snowden.

Quốc hội Đức muốn sử dụng những thông tin mà ông có được để cân nhắc và quyết định các bước đi tiếp theo./.