Hơn 30 năm căng thẳng triền miên và 8 năm đàm phán bế tắc đã bước đầu được khép lại khi Iran và nhóm P5+1 (5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc) và Đức đạt được thỏa thuận về chương trình hạt nhân để đổi lấy việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt Tehran.

Thỏa thuận hạt nhân của Iran và nhóm P5+1 đã đem lại những dấu hiệu tích cực cho quan hệ đối ngoại của Iran khi ngày càng có nhiều nước bày tỏ hoan nghênh đột phá quan trọng này.

iran_copy.jpg
Lãnh đạo nhóm P5+1 và Iran tham gia đàm phán (Ảnh Getty Images)

Có thể thấy rằng, những nỗ lực nhằm tháo ngòi nổ xung đột âm ỉ tại Trung Đông đã đem lại chiến thắng cho tất cả các bên, đặc biệt là với chính quyền Tổng thống Barack Obama. Bất chấp sự phản đối gay gắt của những đồng minh then chốt tại khu vực như Israel và Saudi Arabia, sự xích lại gần Iran đã phản ánh cách tiếp cận mới của Washington.

Thay vì can dự thô bạo, chính quyền Tổng thống Obama đã lựa chọn con đường ngoại giao hợp tác. Phát biểu về thỏa thuận mang tính bước ngoặt đạt được ở Geneva hồi cuối tuần qua liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran, Tổng thống Obama nói rằng, nếu Iran biết nắm bắt cơ hội và lựa chọn hòa nhập với cộng đồng quốc tế, thì đây sẽ là bước dỡ bỏ những ngờ vực giữa 2 nước.

"Những thách thức lớn vẫn còn nhưng chúng ta không thể đóng sập cánh cửa đối với ngoại giao và chúng ta càng không thể loại bỏ các giải pháp hòa bình cho các vấn đề thế giới. Chúng ta không thể cứ tự lao vào vòng xoáy bạo lực không có điểm dừng và đàm phán cứng rắn cũng như sự hăm dọa có thể là điều dễ thực hiện về mặt chính trị nhưng điều đó không có lợi cho an ninh của chúng ta", ông Obama nhấn mạnh.

Cùng chung nhận định trên, nhiều nhà phân tích quốc tế cũng cho rằng, việc thỏa thuận được ký kết giúp giảm căng thẳng trong nhiều thập kỷ và cuối cùng tạo ra sự ổn định, an toàn cho khu vực Trung Đông.

Ông Henry Smith, chuyên gia phân tích Trung Đông và Bắc Phi của Anh nhận định: “Những bước đi đầu tiên cho thấy sự nhượng bộ của Iran. Điều này tốt cho cả Iran và cộng đồng quốc tế. Nếu bạn nhìn vào sự căng thẳng giữa Mỹ và Iran trong suốt 34 năm qua thì sẽ thấy thỏa thuận này là bước đột phá quan trọng”.

Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không hài lòng về thắng lợi ở Geneva. Với ông, việc mở đường cho Iran là “sai lầm lịch sử”.

Ngoại trưởng Anh William Hague đã ngay lập tức cảnh báo, Israel cần tránh có bất cứ hành động nào sẽ làm hỏng thỏa thuận hạt nhân tạm thời mà Iran và nhóm P5+1 đạt được cuối tuần qua.

Phát biểu trước Quốc hội Anh vào ngày 25/11, ông Hague đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cho thỏa thuận tạm thời này một cơ hội. Ông khẳng định việc cố gắng hiểu những người phản đối thỏa thuận là điều quan trọng nhưng cũng thúc giục Israel và các nước khác hạn chế sự chỉ trích của mình trong phạm vi lời nói.

Ông Hague nêu rõ: “Chúng ta sẽ không khuyến khích bất cứ ai trên thế giới này, kể cả Israel, thực hiện bất cứ bước đi nào sẽ làm hỏng thỏa thuận này và chúng ta sẽ làm thật rõ điều này với tất cả các bên liên quan”.

Ông Hague hy vọng có thể đạt được thỏa thuận hạt nhân toàn diện với Iran trong vòng 1 năm, song cảnh báo các cường quốc thế giới có thể nhanh chóng đảo ngược bất cứ biện pháp giảm nhẹ trừng phạt nào nếu Tehran bội ước.

Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng, thỏa thuận tại Geneva cũng chỉ là bước khởi động cho một tiến trình quan trọng hơn cả: tiến trình xây dựng niềm tin.

Phát biểu với các phóng viên tại New Dehli, Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Anand Sharma cho biết: “Trong suốt quá trình lịch sử, Ấn Độ có mối quan hệ đặc biệt với Iran và chúng tôi cũng luôn nhất quán rằng, chương trình hạt nhân Iran cần có giải pháp thông qua đàm phán. Chúng tôi vui mừng vì đã có bước đột phá, và chúng tôi đánh giá cao tất cả nước tham gia vào vòng đàm phán, trong đó có Mỹ, Liên minh châu Âu, Iran, Trung Quốc, Nga”.

Trung Quốc và Hàn Quốc cũng hoan nghênh một thỏa thuận giữa Iran và nhóm P5+1. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ca ngợi thỏa thuận này là một bước tiến quan trọng.

Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói: “Tôi nghĩ rằng, thỏa thuận này có lợi và phù hợp với những mong muốn của cộng đồng quốc tế. Đây cũng là bước đi đầu tiên trong vòng 10 năm qua trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran. Trung Quốc hoan nghênh thỏa thuận này”.
Như vậy, có thể thấy, với Iran, thỏa thuận hạt nhân đã đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng quốc tế và người dân nước này. Một sự khởi đầu tốt đẹp đang làm hồi sinh niềm tin vào tương lai như điều mà Tổng thống Iran Rowhani đã từng nói, những gì đạt được ở Geneva đang mở ra các chân trời mới và người dân của ông đã bỏ phiếu bầu cho sự ôn hòa ./.