Tàu thuỷ của Hải quân 6 nước, hàng chục máy bay quân sự cùng với các loại radar tối tân có khả năng nhận diện một quả bóng từ khoảng cách hàng trăm mét trên không đã không thể phát hiện ra một dấu vết gì của chiếc máy bay của hãng Malaysia Airlines bị mất tích ngày 8/3.

Đối với các thuỷ thủ và phi công tham gia tìm kiếm cứu nạn, đây quả là một chiến dịch đáng thất vọng. Một thông tin về việc tìm thấy đuôi của chiếc máy bay hoá ra chỉ là mấy thanh củi được buộc chặt với nhau.

tructhang_copy.jpg
Trực thăng của Hải quân Mỹ rời căn cứ tham gia tìm kiếm (Ảnh: Reuters)

Theo Reuters, khu vực tìm kiếm rộng lớn có bán kính lên đến 50 hải lý từ địa điểm radar lần cuối cùng liên lạc với máy bay nằm ở khoảng giữa bờ biển phía Đông của Malaysia và cực Nam của Việt Nam. Khu vực này rộng khoảng 27.000km2 bao gồm một phần Vịnh Thái Lan và Biển Đông.

Có rất ít tàu thương mại qua lại trên khu vực này vào ngày 10/3, khi chiếc máy bay Antonov-26 của Việt Nam chở một phóng viên của Reuters theo trong hành trình tìm kiếm chiếc máy bay bị mất tích.

Chiếc máy bay của Việt Nam bay khoảng 2 tiếng rưỡi xung quanh một khu vực rộng 400m2 ở độ cao gần 2.000m nhưng các nhân viên tìm kiếm vẫn không tìm thấy gì ngay cả khi đã sử dụng ống nhòm nhìn xuống biển.

Thông thường, các máy bay sẽ báo cáo về việc tìm thấy vật gì đó trôi nổi trên mặt nước và nếu có thể sẽ chụp ảnh vật thể đó gửi cho các quan chức Malaysia đang điều phối việc tìm kiếm. Sau đó, họ sẽ điều máy bay tầm thấp, trực thăng và tàu thuỷ gần địa điểm đó nhất đến để xác mình thông tin được báo cáo.

Trong khi đó, Hạm đội số 7 của Hải quân Mỹ đã điều một máy bay do thám P3-C Orion từ căn cứ ở Okinawa, Nhật Bản và tàu khu trục Pinckney chở 2 trực thăng MH-60R Seahawk tham gia tìm kiếm cứu nạn.

Máy bay do thám Orion ngày 10/3 đã được sử dụng trong 3 giờ và có khả năng tìm kiếm trong một khu vực rộng khoảng 4.000km2/giờ. Chiếc máy bay này còn được trang bị hệ thống radar APS-147 hiện đại có thể xác định được một quả bóng từ khoảng cách hàng trăm mét trên không.

Trong khi đó, 2 trực thăng Seahawk được sử dụng để tìm kiếm trong đêm sử dụng máy quay bằng tia hồng ngoại.

Tuy nhiên, Tư lệnh William Marks, người phát ngôn của Hạm đội số 7, cho biết: “Vẫn có có rất nhiều thách thức”.

“Đầu tiên là liệu điểm cần tập trung tìm kiếm có phải là điểm cuối cùng khi máy bay bị mất liên lạc với trạm không lưu hay là điểm cuối cùng khi máy bay mất liên lạc với radar. Sau đó, còn phải tính cả sức gió và dòng chảy của nước biển. Cứ mỗi giờ trôi qua, khu vực tìm kiếm lại trở lên rộng hơn. Đã ba ngày trôi qua kể từ khi chiếc máy bay bị mất tích vì thế khu vực tìm kiếm giờ là rất rộng lớn”./.