Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 5/12 tiếp tục chuyến thăm Trung Đông lần thứ 8 kể từ khi lên nhậm chức tháng 2 năm nay, trong nỗ lực tạo đà mới cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine đang lâm vào bế tắc. Tuy nhiên, chuyến đi lần này cũng không thể tạo được bước đột phá khi những đề xuất của nhà trung gian hòa giải Mỹ đều vấp phải sự phản đối gay gắt từ cả phía Israel và Palestine.

kerry-netanyahu-hop-bao.jpg
Ngoại trưởng John Kerry và Thủ tướng Israel Netanyahu tại cuộc họp báo chung ở Jerusalem ngày 5/12 (Ảnh: Latimes.com)

Tại các cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mamoud Abbas, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đưa ra đề xuất về những dàn xếp an ninh cho một thỏa thuận hòa bình trong tương lai, với hy vọng có thể phá vỡ thế bế tắc hiện nay trong các cuộc đàm phán.

Thỏa thuận đặc biệt liên quan tới thung lũng Jordan, khu vực chạy dọc sườn phía Tây của Bờ Tây, giáp với Jordan, cũng như liên quan đến việc đổi đất và xác lập quy chế đối với thành phố Jerusalem.

Đây là lần đầu tiên ông Kerry trực tiếp can thiệp vào cuộc đàm phán hòa bình được nối lại từ cuối tháng 7 vừa qua. Tuy nhiên động thái này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ cả từ phía Israel và Palestine.

Một quan chức Palestine thậm chí còn cho rằng đây là “một thỏa thuận tồi” và Palestine không thể chấp nhận. Bởi điều này sẽ chỉ dẫn tới việc kéo dài và duy trì sự chiếm đóng của Israel. Trong khi đó, phía Israel lại bác bỏ mọi thỏa hiệp về an ninh ở Thung lũng Jordan, trong bối cảnh sự hiện diện an ninh của Israel tại khu vực này bị cho là một trong những trở ngại chính của đàm phán hòa bình.

Phát biểu với báo chí sau cuộc gặp, ông Kerry thừa nhận vẫn còn nhiều khó khăn trong các cuộc đàm phán, đặc biệt liên quan tới vấn đề “chủ quyền” và “quy chế” đối với người Palestine, cũng như vấn đế “an ninh” đối với Israel.

“Chúng tôi đã thảo luận chi tiết những vấn đề về an ninh khu vực, an ninh của nhà nước Israel cũng như Palestine trong tương lai. Dù vẫn còn nhiều khó khăn, song chúng tôi đã đạt được những bước tiến. Và tôi xin một lần nữa nhắc lại rằng, mục tiêu cuối cùng của các cuộc đàm phán là một nhà nước Palestine độc lập chung sống hòa bình bên cạnh một nhà nước Israel”, ông Kerry nói.

Trong khi đó, phát biểu sau cuộc gặp này, Trưởng phái đoàn đàm phán Palestine Saeb Erakat cũng thừa nhận, tình hình vẫn rất khó khăn và còn nhiều vấn đề phức tạp.

Bất chấp các nỗ lực của Mỹ và các nước phương Tây, đến nay, Israel và Palestine vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, mặc dù mục tiêu đặt ra là đạt được một thỏa thuận vào tháng 4 năm tới. Ngay tại các cuộc gặp ngày 5/12 với Ngoại trưởng Mỹ, lãnh đạo hai nước vẫn tiếp tục đổ lỗi cho nhau về sự bế tắc của các cuộc đàm phán. Tổng thống Palestine Abbas cho rằng, việc Israel tiếp tục xây dựng tại các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây và các vùng lân cận Đông Jerusalem sẽ "làm suy yếu các nỗ lực nhằm đạt được kết quả tích cực tại các cuộc thương lượng hiện nay".

Trong khi đó, Thủ tướng Israel Netanyahu chỉ trích cách giải quyết các cuộc đàm phán hòa bình của ban lãnh đạo Palestine, cho rằng hai bên cần tổ chức các cuộc thương lượng thực sự, "tránh buộc tội và những cuộc khủng hoảng giả tạo". Israel cho rằng Palestine đang "tìm lý do" để tránh né đàm phán, trong khi chính quyền Palestine cáo buộc Israel đang cản trở các nỗ lực hòa bình khi tiếp tục xây dựng các khu định cư trái phép trên lãnh thổ chiếm đóng.

Việc chấm dứt hoạt động xây dựng nhà định cư của Israel là một trong những điều kiện tiên quyết mà Palestine đưa ra để có thể đi đến thỏa thuận hòa bình./.