Theo các nhà phân tích, những tín hiệu tích cực mà giới chức Mỹ thông báo về các cuộc đàm phán trực tiếp không đủ để xóa đi những hiềm khích đã ăn sâu trong quan hệ Israel- Palestine.

Tổng thống Palestine Mamoud Abbas hôm 30/10 chỉ trích quyết định của Israel thông qua kế hoạch xây dựng hàng nghìn ngôi  nhà định cư mới, đồng thời nhấn mạnh, đây là bằng chứng rõ nhất cho thấy, Israel không tôn trọng luật pháp quốc tế.

israel_copy.jpg
Xung đột Israel-Palestine liệu có thể được hóa giải (Ảnh North Africa Post)

Ông Abbas cũng cáo buộc Israel phá hỏng các cuộc đàm phán hòa bình đang diễn ra dưới sự chủ trì của Mỹ. Phong trào vũ trang Hamas của Palestine, vốn phản đối các cuộc đàm phán, cho rằng Israel lợi dụng đàm phán để thực hiện các “hành vi tội ác”. Ngay cả Mỹ, vốn được xem là đồng minh của Israel cũng phải thừa nhận, việc tiếp tục hoạt động định cư gây ảnh hưởng tới tiến trình hòa bình.

Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon dù hoan nghênh phía Israel đã đưa một sáng kiến khó khăn thả tự do cho các từ nhân, song thúc giục các bên chấm dứt mọi hành động gây xói  mòn lòng tin. Trong một tuyên bố đưa ra ngày hôm qua, ông Ban Ki-moon đã gọi đây là một quyết định "vi phạm luật pháp quốc tế".

Dư luận Trung Đông cho rằng, quyết định mở rộng các khu định cư Do Thái của Israel đưa ra ngay sau khi nước này thả tự do cho 26 tù nhân Palestine là một sự mâu thuẫn lớn. Song truyền thông Israel lại cho rằng, điều này không có gì bất ngờ khi Thủ tướng Benjamin Netayahu luôn muốn gắn vấn đề tù nhân Palestine với vấn đề nhà định cư nhằm trấn an những chính trị gia cứng rắn trong nước.

Tổng thư ký Ủy ban hành pháp của Tổ chức giải phóng Palestine Abed Rabbo cho rằng, sự liên hệ này là đi ngược lại với mọi cam kết đưa ra trước khi diễn ra đàm phán.

Tổng thống Palestine Mamoud Abbas cũng cho rằng, Israel cần tôn trọng các cam kết và coi đây là cơ hội để thúc đẩy hòa bình.

“Israel cần nắm lấy cơ hội lịch sử hiện nay để các bên có thể tìm kiếm một giải pháp thỏa đáng để hai nước có thể sống trong hòa bình và ổn định. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, hòa bình giữa Israel và Palestine không chỉ có ý nghĩa quan trọng với cả hai nước mà còn đối với mối quan hệ giữa Israel với tất cả các quốc gia Arab”, ông Rabbo tuyên bố.

Sau nhiều năm bế tắc ngoại giao, tiến trình hòa bình Trung Đông đã được nối lại hồi cuối tháng 7 thông qua nỗ lực ngoại giao của Mỹ. Để thuyết phục Israel và Palestine vượt qua những nghi kỵ và ngồi vào bàn đàm phán, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vừa phải tìm cách đảm bảo với người Israel rằng những lo ngại về an ninh của họ sẽ được giải quyết, lại vừa phải thuyết phục người Palestine rằng thỏa thuận hòa bình có lợi nhất cho họ về lâu dài.

Song những diễn biến mới hiện nay một lần nữa cho thấy, tiến trình hòa bình hiện nay khá quanh co và chỉ mang tính hình thức. Bởi bên cạnh sự thù địch và mất lòng tin, vẫn còn đó những mâu thuẫn “thâm căn cố đế” tồn tại suốt nhiều thập niên qua trong cuộc xung đột giữa Palestine và Israel như vấn đề các khu định cư Do Thái tại vùng lãnh thổ mà người Palestine xác nhận chủ quyền, vấn đề người tị nạn Palestine đang tìm cách hồi hương và việc kiểm soát Jerusalem.

Trên thực tế, các bên chấp nhận nối lại đàm phán vì đều không muốn bị xem là bên từ chối hòa bình và làm khó cho nỗ lực hòa bình. Mỗi bên đều chờ đợi phía bên kia bước ra khỏi bàn đàm phán để mong giành lợi thế về ngoại giao./.