Người dân Thái Lan đang nóng lòng chờ Hiến pháp tạm thời được ban hành để biết chính xác các cơ chế sẽ được thành lập và phương hướng của tiến trình cải cách sâu rộng đầy tham vọng do Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia khởi xướng. Tuy nhiên, dư luận chính giới và xã hội Thái Lan bước đầu đã cảnh báo về nhiều khó khăn, trở ngại của tiến trình cải cách này. 

thailand_ieve.jpgBinh sỹ Thái Lan đảm bảo an ninh trên đường phố Bangkok (Ảnh: EPA)

Ngày 11/7 vừa qua, Đại tướng Prayuth, người đứng đầu Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia đã khẳng định sẽ tiến hành cải cách lớn trên tất cả các lĩnh vực chính trị - kinh tế - xã hội của Thái Lan. Một số cơ quan độc lập và các Bộ, ban, ngành đã được "bật đèn xanh" đề xuất phương hướng, nội dung cần cải cách để trình Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia xem xét.

Các đề xuất này ngay lập tức đã nhận được sự phản ứng của dư luận chính giới, học giả và dư luận xã hội Thái Lan, trong đó có cả ý kiến ủng hộ và ý kiến chỉ trích. Đáng chú ý là, dư luận phản đối khá mạnh một số đề xuất bị coi là bất hợp lý, thiếu dân chủ của Ủy ban bầu cử về thể thức bầu cử.

Dư luận trong ngành y tế và người dân cũng đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ đề xuất của Bí thư thường trực Bộ Y tế Thái Lan về việc bãi bỏ chế độ bảo hiểm y tế 30 baht dành cho tất cả mọi người, thay thế bằng việc buộc người dân phải đóng góp từ 30% đến 50% viện phí.

Một số chuyên gia chính trị của Thái Lan cho biết, để thúc đẩy tiến trình cải cách, Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia sẽ phải xem xét chỉnh sửa, ban hành mới khoảng 2.000 đạo luật, trong đó có khoảng 300 đạo luật cần phải làm ngay. Đây là công việc tốn rất nhiều công sức và nội dung phải đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của xã hội. Ngoài ra, Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia cũng sẽ phải xem xét cải cách hệ thống tư pháp; tìm biện pháp giải quyết hàng chục nghìn vụ án đang còn tồn đọng.

Đặc biệt, giới học giả Thái Lan nhận định, khó khăn lớn nhất của tiến trình cải cách là việc soạn thảo Hiến pháp mới của Thái Lan. Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia chủ trương xây dựng Hiến pháp mới nhằm tạo ra bầu không khí hòa giải với sự đồng thuận của tất cả các phe phái và các tầng lớp xã hội.

Tuy nhiên, Đại tướng Prayuth cũng khẳng định tiến trình cải cách sẽ diễn ra trong sự kiểm soát chặt chẽ của Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia. Điều này khiến nhiều phe phái, kể cả đảng Dân chủ và những học giả có tên tuổi e ngại hoặc không muốn tham gia đóng góp ý kiến vào xây dựng Hiến pháp mới; song họ cũng có thể không đồng ý hoặc không ủng hộ một số nội dung của cải cách.

Do đó, dư luận chính giới và xã hội Thái Lan cho rằng, Hiến pháp mới năm 2015 có thể không đạt được sự đồng thuận và tham gia đóng góp của toàn xã hội như Hiến pháp năm 1997 và Hiến pháp mới sẽ chỉ đóng vai trò như Hiến pháp năm 2007 vốn được ban hành sau cuộc đảo chính năm 2006. Chưa kể, có những thông tin cho biết Hiến pháp mới của Thái Lan có thể sẽ không được thông qua trưng cầu ý dân.

Tuy trưng cầu ý dân chỉ là một thủ tục thông thường trước khi ban hành Hiến pháp; song nó có ý nghĩa lớn về mặt pháp lý và đảm bảo sự chính đáng cho một bản Hiến pháp mới. Hiến pháp chỉ có giá trị lâu dài một khi được sự chấp nhận của đa số nhân dân.

Tướng Prayuth đã kêu gọi sự ủng hộ, hợp tác của tất cả các phe phái và nhân dân đối với Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia trong tiến trình cải cách. Tuy nhiên, trong bối cảnh không bình thường của chính trường Thái Lan, tiến trình cải cách này có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, trở ngại và quan trọng là, khó đạt được toàn bộ những mục tiêu cải cách mà Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia dự định./.