Đây không phải là điều bất ngờ bởi trước cuộc bỏ phiếu hôm qua thì các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy là đa số người dân Thụy Sĩ đều phản đối đề xuất này.
Chính phủ, Nghị viện, các công đoàn lao động cũng như các nghiệp đoàn giới chủ đều phản đối vì nếu như đề xuất này được thông qua thì quan hệ giữa Thụy Sỹ với EU sẽ bị tổn thất nghiêm trọng. Hiện tại giữa Thụy Sỹ và Liên minh châu Âu có tới hơn 120 hiệp định song phương trên mọi lĩnh vực, từ kinh tế cho đến an ninh, quốc phòng, văn hóa. Do đó, kịch bản chấm dứt các thỏa thuận với EU được chính các quan chức chính phủ Thụy Sĩ nhận định là “tồi tệ hơn cả Brexit”. Về phần mình thì phía EU cũng đã đưa ra cảnh báo rằng nếu Thụy Sĩ hạn chế đi lại của công dân châu Âu thì thỏa thuận quan trọng nhất giữa hai bên là việc Thụy Sĩ được tiếp cận thị trường chung châu Âu sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.
Trong vài năm qua, kể từ khi xảy ra sự kiện Brexit thì các đảng dân túy, cực hữu và dân tộc chủ nghĩa tại châu Âu được dịp nổi lên rất mạnh. Các đảng này dựa vào việc một cường quốc như nước Anh rời khỏi EU để thúc đẩy các ý định của mình và lập luận rằng đã đến lúc mỗi quốc gia cần phải lấy lại chủ quyền kiểm soát của mình, để hạn chế vấn nạn nhập cư, tội phạm, để bảo vệ việc làm trong nước cũng như hệ thống an sinh xã hội. Đó cũng chính là những luận điểm mà đảng Nhân dân Thụy Sĩ (SVP) hay còn gọi là Liên minh Dân chủ trung hữu, đưa ra để yêu cầu có cuộc bỏ phiếu này. Đây là đảng lớn nhất trong Nghị viện Liên bang Thụy Sĩ, và trong nhiều năm qua thăng tiến mạnh nhờ các luận điểm liên quan đến việc chống nhập cư, tị nạn cũng như quan điểm cứng rắn trong quan hệ với châu Âu. Đây là đảng bảo thủ, dân túy cánh hữu và việc đảng này thúc đẩy chủ đề chống nhập cư, với khẩu hiệu là để bảo vệ việc làm của người dân Thụy Sĩ, chống việc gia tăng tội phạm… là cách để đảng này duy trì tầm ảnh hưởng cũng như thu hút cử tri.
Tất nhiên, cũng cần phải nói rằng Thụy Sĩ là đất nước có những đặc trưng rất riêng về thành phần dân cư, khi có đến 1/4 dân số hiện nay ở Thụy Sĩ, tức trên 2 triệu người, là người nước ngoài, trong đó đa số là cư dân các nước EU. Ngoài ra, có khoảng 300.000 lao động biên giới, tức những người sống ở các nước láng giềng của Thụy Sĩ như Pháp, Đức, Italy, Áo… nhưng hàng ngày sang Thụy Sĩ làm việc. Do mức sống và mức lương ở Thụy Sĩ là cao và đắt đỏ nhất ở châu Âu mà những lao động biên giới này tuy hưởng mức lương Thụy Sĩ nhưng lại sống ở nước khác nên bị xem là cạnh tranh việc làm không công bằng với công dân Thụy Sĩ. Đó là chi tiết bị đảng SVP khai thác. Tuy nhiên, Thụy Sĩ là một nước cởi mở và phụ thuộc rất nhiều vào lao động nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, dịch vụ… do đó, việc đảng SVP muốn hạn chế đi lại với công dân EU bị phản đối mạnh./.