Tại cuộc họp, Thượng nghị sĩ Francis Tolentino đã bày tỏ quan ngại về Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc cho phép lực lượng hải cảnh của nước này dùng vũ khí chống lại tàu nước ngoài trong vùng biển mà Trung Quốc cho là thuộc quyền tài phán của họ.
Luật cũng cho phép lực lượng bảo vệ bờ biển phá hủy các công trình do nước ngoài xây dựng trên các bãi đá ngầm mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền ở phần lớn diện tích Biển Đông và kiểm tra các tàu nước ngoài đi vào vùng biển này. Năm 2016, Tòa trọng tài đã bác bỏ yêu sách đơn phương của Trung Quốc về “đường 9 đoạn” trên Biển Đông.
Thượng nghị sĩ Tolentina cho rằng, luật mới sẽ gây nguy hiểm cho ngư dân Philippines và các tàu thương mại đi qua tuyến đường này.
Tại cuộc họp, Ủy ban đối ngoại Thượng viện Philippines cũng thảo luận về Nghị quyết số 369 của Thượng viện trong đó kêu gọi các cơ quan hành pháp gây áp lực pháp lý và ngoại giao lên chính phủ Trung Quốc để ngừng tất cả các hoạt động hủy hoại sinh thái ở Biển Tây Philippines [Biển Đông theo cách gọi của Philippines - PV] và trả tiền bồi thường về những thiệt hại đã gây ra.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Philippines đã gửi công hàm phản đối Luật Hải cảnh của Trung Quốc. Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin đã gọi luật này là “mối đe dọa chiến tranh”.
Trong khi đó, một số thượng nghị sĩ Philippines đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Thượng nghị sĩ Risa Hontiveros đề nghị Bộ Quốc phòng Philippines không cho phép Bắc Kinh “đâm sau lưng” về vấn đề Biển Đông và phải chuẩn bị một chiến lược đối phó sau khi Trung Quốc ban hành Luật Hải cảnh.
Bà Hontiveros nhận định: “Trung Quốc thông qua loại luật này, giữa lúc quảng bá vaccine Covid-19 như món hàng toàn cầu, nhưng họ lại từ bỏ hòa bình ở Biển Đông. Làm sao chúng ta có thể đảm bảo rằng những vaccine mà chúng ta mua và được tặng từ Trung Quốc sẽ không phải là thứ hàng hóa trao đổi”.
Bà cũng kêu gọi chính phủ Philippines có chính sách ngoại giao độc lập và xem xét “mối quan hệ đặc biệt” giữa hai quốc gia khi các ngư dân bị cấm đánh bắt cá ngay trong vùng biển của mình./.