Với "Tuyên bố chung Tháng 9" được ký kết tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 3 giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon-Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể giúp đưa quan hệ liên Triều lên tầm cao mới, cũng như thúc đẩy tiến trình ngoại giao về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên giữa Mỹ và Triều Tiên quay trở lại quĩ đạo sau một thời gian đình trệ.
Một loạt các thiện chí ngoại giao đang được Mỹ đưa ra sau khi Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại Bình Nhưỡng kết thúc với những cam kết quan trọng của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 19/9 cho biết, đại diện của nước này và Triều Tiên sẽ gặp nhau tại thủ đô Vienna (Áo) để đàm phán "trong thời gian sớm nhất có thể”.
Theo ông Pompeo, cuộc gặp sắp tới tại Vienna sẽ "đánh dấu sự khởi đầu các cuộc đàm phán nhằm thay đổi mối quan hệ Mỹ-Triều thông qua tiến trình phi hạt nhân hóa nhanh chóng Triều Tiên dự tính hoàn tất vào tháng 1/2021 như cam kết của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, cũng như xây dựng một nền hòa bình ổn định và bền vững trên Bán đảo Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ cũng mời người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong-ho hội đàm với ông vào tuần tới tại New York bên lề khóa họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc mà Triều Tiên cũng tham dự.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những đánh giá tích cực về kết quả hội nghị thượng đỉnh liên Triều và cho biết ông sẽ sớm gặp lại nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ông Donald Trump nói: “Điều quan trọng là không có các vụ thử tên lửa và thử hạt nhân. Các mối quan hệ, ít nhất phải dựa trên các cơ sở cá nhân và tôi nghĩ mối quan hệ giữa tôi và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là tốt. Mọi thứ đã được hạ nhiệt trong khi đó chúng ta có thể thúc đẩy đàm phán. Ông Kim Jong-un hạ nhiệt và tôi cũng sẽ vậy. Vì vậy chúng ta phải chờ đợi xem điều gì sẽ xảy ra”.
Những nỗ lực ngoại giao được nối lại sau nhiều tuần nghi ngờ phủ bóng lên chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump về mức độ chân thành của Triều Tiên hướng đến tiến trình phi hạt nhân hóa. Mặc dù còn khẳng định dựa vào phản ứng thích hợp của Mỹ, nhưng việc cam kết sẽ đóng cửa vĩnh viễn bãi thử tên lửa Dongchang-ri và cơ sở hạt nhân Yongbyon cho thấy Triều Tiên đang nỗ lực hướng tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Sau Thượng đỉnh, Tổng thống Hàn Quốc và Ngoại trưởng Triều Tiên đến Mỹ
Đánh giá về Thỏa thuận này, chuyên gia nghiên cứu của Heritage Foundation Bruce Klingner nhận định: “Tôi nghĩ có 2 vấn đề sau Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều. Về mối quan hệ liên Triều và giảm xung đột quân sự, ít nhất ở mức chiến thuật, tôi nghĩ đây đã là một thành công. Tuy nhiên về vấn đề phi hạt nhân hóa- vấn đề lo ngại nhất của Mỹ, tôi nghĩ chưa thực sự rõ ràng và chúng ta cần phải làm nhiều điều hơn nữa để thực hiện thỏa thuận này cũng như thỏa thuận đạt được tại Singpore”.
Mặc dù vậy vẫn có những hoài nghi rằng liệu thỏa thuận liên Triều có thực sự là bước đi ý nghĩa hướng đến tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên hay không. Một số quan chức Mỹ cho rằng, Triều Tiên đang cố gắng làm giảm áp lực do các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào nước này, đồng thời muốn giảm đáng kể số quân Mỹ đóng quân tại Hàn Quốc bằng việc cải thiện quan hệ liên Triều. Ngoài ra, trong tuyên bố đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều, bên cạnh các cam kết của Triều Tiên vẫn chứa những cụm từ như “tuy nhiên”, “nếu”… điều đó cho thấy đây không chỉ là một hành động đơn phương của Triều Tiên, mà đòi hỏi những hành động “ thích hợp” từ phía Mỹ.
Chuyên gia phân tích quân sự Mỹ Jenny Town nhận định: “Bằng các cam kết của Triều Tiên đưa ra tại Hội nghị như đóng cửa cơ sở hạt nhân hay bãi thử tên lửa là các biện pháp xây dựng lòng tin. Tuy nhiên cũng cần phải nhấn mạnh rằng đây không thể là một tiến trình đơn phương. Tôi nghĩ đang có mong đợi quá cao vào nỗ lực của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, vì điều này cần phải phụ thuộc nhiều hơn vào các cuộc thảo luận giữa Mỹ và Triều Tiên”.
Mặc dù còn nhiều nghi ngại nhưng Tuyên bố chung tại Bình Nhưỡng lần này thể hiện sự tin cậy ngày càng lớn giữa hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc, đưa mục tiêu thiết lập hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên tiến thêm một bước. Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc gặp thượng đỉnh với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng 4 vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết có một ước mơ và chưa thực hiện được trong một thời gian dài đó là đi bộ trên núi Bạch Đầu (Paektu). Ông cũng cho rằng, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ biến giấc mơ của ông thành sự thật.
Hình ảnh hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc cùng du ngoạn núi Bạch Đầu - ngọn núi cao nhất bán đảo, được người dân 2 nước tôn kính trong sáng nay -hoạt động cuối cùng trong chuyến thăm 3 ngày tới Triều Tiên của Tổng thống Hàn Quốc cho thấy giấc mơ của ông đã trở thành hiện thực. Dư luận cũng hi vọng, tại Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần 3, mong muốn bán đảo Triều Tiên trở thành một vùng đất hòa bình, không có vũ khí và mối đe dọa hạt nhân của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ sớm trở thành sự thật với sự đồng hành của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un./.
Mỹ cần thúc đẩy đàm phán Hiệp ước Hòa bình Triều Tiên