Ông Abe viết trên trang cá nhân của mình rằng: “Hôm nay, tôi đến thăm Nhà máy điện Hạt nhân Fukushima Daiichi. Tôi sẽ cố gắng hết sức để có thể bảo vệ sức khỏe của người dân và môi trường xung quanh”.
Các quan chức cho biết, Thủ tướng Abe sẽ xem xét các bể chứa nước phóng xạ và các thiết bị xử lý nước thải tại nhà máy trong chuyến khảo sát 3 giờ đồng hồ tại nhà máy.
Cũng theo các quan chức, đầu tháng này, mức độ phóng xạ gần các bể chứa nước của nhà máy tăng cao ở mức kỷ lục. Nhiều tháng gần đây, nhà máy điện hạt nhân này cũng bị ảnh hưởng nhiều do các sự cố rò rỉ.
Nươc nhiễm xạ được đưa vào trong các bồn chứa (Ảnh AP) |
Thủ tướng Abe cũng dự kiến đến thăm các khu vực được xác định có rò rỉ phóng xạ và gặp gỡ đại diện của Công ty Điện lực Tokyo (Tepco).
Lần gần đây nhất ông Abe đến thăm nhà máy điện hạt nhân là một thời gian ngắn sau khi ông nhậm chức vào tháng 12/2012.
Nhà máy điện hạt nhân bị tê liệt do ảnh hưởng của trận động đất sóng thần hồi tháng 3/2011. Hệ thống làm mát cho các lò phản ứng đã bị phá vỡ khiến 3 lò phản ứng bị nung chảy.
Nước đã được bơm vào để làm mát các lò phản ứng. Tuy nhiên, một lượng nước lớn đã bị nhiễm phóng xạ cần phải được lưu giữ an toàn.
Một lượng nước đã bị rò rỉ thông qua hệ thống các bể chứa, đường ống và cấu trúc bị hư hại sau trận động đất sóng thần làm dấy lên nỗi lo ngại rằng, nước độc có thể lẫn với nước ngầm chảy ra biển.
Đầu tháng này, chính phủ đã cam kết sẽ chi hàng trăm triệu USD để xây dựng hệ thống tường đóng băng xung quanh các lò phản ứng nhằm ngăn chặn rò rỉ.
Phát biểu tại thời điểm đó, phát ngôn viên của chính phủ Yoshihide Suga đã nói rằng, chính phủ “cảm thấy cần phải tham gia giải quyết vấn đề ở mức độ lớn nhất có thể”.
Nhật Bản đã thành công trong việc giành quyền đăng cai tổ chức Olympic vào năm 2020. Thủ tướng Abe đảm bảo với Ủy ban Olympic Quốc tế rằng, tình huống ở Fukushima đang “trong tầm kiểm soát”./.