Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn quyết tâm phát biểu về vấn đề hạt nhân Iran trước Quốc hội Mỹ trong chuyến thăm Washington đầu tháng sau, nhưng đội ngũ cố vấn của ông đang xem xét thay đổi hình thức phát biểu để tránh làm xấu hơn nữa quan hệ với Tổng thống Barack Obama.
Nhưng nó lại cho thấy sự rạn nứt nghiêm trọng của mối quan hệ với chính quyền của Tổng thống Ôbama vì lời mời này không có sự tham vấn trước với Nhà Trắng.
Phát biểu tối qua trước cộng đồng người nói tiếng Nga ở Israel, Thủ tướng Netanyahu bày tỏ quyết tâm lên tiếng phản đối Mỹ thúc đẩy thỏa thuận hạt nhân với Iran. Tuy nhiên, ông không nói rõ cách thức đưa ra thông điệp này ở Washington.
Trong khi đó, hãng tin Reuters dẫn nguồn tin chính phủ Israel cho biết, các quan chức nước này đang xem xét thay thế việc phát biểu trên truyền hình như kế hoạch ban đầu bằng một phiên họp kín giữa Thủ tướng Netanyahu với Quốc hội Mỹ. Một phương án khác là ông Netanyahu có thể đưa ra bài phát biểu này tại cuộc gặp hàng năm của Ủy ban các vấn đề xã hội của Israel tại Mỹ (AIPAC) thay vì trước Quốc hội Mỹ.
Theo nguồn tin trên, Thủ tướng Netanyahu đã thảo luận vấn đề này với các thành viên đảng Likud và nhận được nhiều ý kiến trái chiều, một số cho rằng ông nên từ bỏ bài phát biểu này trong khi số khác cứng rắn hơn thì cho rằng ông nhất định phải đề cập vấn đề hạt nhân Iran trong chuyến thăm Mỹ sắp tới. Một thăm dò dư luận do Đài phát thanh quân đội Israel công bố hôm qua cho thấy, khoảng 47% người dân nước này cho rằng Thủ tướng Netanyahu nên hoãn bài phát biểu trên trong khi chỉ có 34% ủng hộ ông thúc đẩy bước đi này.
Bình luận về vấn đề này trong chuyến thăm Washington hôm qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, tiến trình đàm phán hạt nhân Iran cần phải được duy trì và thúc đẩy vì “quan hệ Mỹ - Israel không xoay quanh một đảng phái nhất định”.
Thủ tướng Netanyahu đang phải chịu sức ép từ trong ra ngoài vì bài phát biểu này không chỉ quan trọng đối với quan hệ Mỹ - Israel mà còn có ảnh hưởng nhất định đến cuộc bầu cử ở Israel ngày 17/3 tới.
Thăm dò dư luận do Thời báo Israel (Times of Israel) công bố hôm qua cho thấy đảng Likud của ông Netanyahu có thể giành 23 ghế trong Quốc hội gồm 120 ghế, nghĩa là ít hơn khoảng 4 ghế so với phe đối lập trung tả. Nếu từ bỏ bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ sắp tới, ông sẽ bị cử tri đánh giá là một nhà lãnh đạo yếu đuối, nhưng nếu tiếp tục thúc đẩy một cách quá thô bạo và khiên cưỡng, ông có thể làm tổn hại quan hệ với Mỹ./.