Trong khi cuộc khủng hoảng tại Ukraine tiếp tục là tâm điểm dư luận thì nhiều nước cũng nhân sự việc này mà bày tỏ thái độ, quan điểm ngoại giao của mình. Ví dụ như, Israel - vốn là đồng minh thân thiết của Mỹ, nhưng lại liên tục bày tỏ thái độ trung lập với vấn đề Ukraine.

Bất chấp Mỹ kịch liệt phản đối, Israel khẳng định, nước này coi trọng quan hệ với Nga và Mỹ ngang nhau. Tại sao Israel lại phớt lờ Mỹ để “ngầm” ủng hộ Nga trong vấn đề Ukraine? 

mideast%20israel%20russia.jpeg-03d5f.jpg
Tổng thống Nga (trái) và Thủ tướng Israel (Ảnh: AP)

Trong cuộc khủng hoảng Ukraine đang diễn ra, ai cũng thấy rõ lập trường của Mỹ là luôn đối ngược với Nga. Thế nhưng, trong nhiều tuyên bố công khai trong vòng 2 tuần qua của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Ngoại trưởng nước này, hai nhà lãnh đạo đều thể hiện thái độ trung lập đối với vấn đề Ukraine.

Những tuyên bố này như đổ thêm dầu vào lửa vào sự tức giận của Mỹ, vốn trước đó là rất phẫn nộ khi đại diện của Israel vắng mặt tại phiên họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc để bỏ phiếu một nghị quyết về tình hình ở Crimea hồi cuối tháng 3 vừa qua.

Trong một tuyên bố khác, phía Israel cũng thẳng thừng nói với đồng mình Mỹ rằng, không giống như Mỹ và châu Âu, lợi ích của Israel gắn liền với việc giải quyết vũ khí hóa học ở Syria và chương trình hạt nhân Iran, nơi Nga có vai trò mang tính quyết định. Vì thế với Israel, một cuộc đối đầu với Nga có thể ảnh hưởng đến an ninh của nước này.

Thậm chí, người đứng đầu về an ninh trong Bộ Quốc phòng Israel đã phát biểu, chính sách của Israel trong vấn đề Ukraine phải đi theo lợi ích an ninh riêng và không được nhầm lẫn với lợi ích của Mỹ.

Nếu trở lại phân tích mối quan hệ Israel - Nga có thể thấy lời giải thích của Israel là rất có sơ sở. Trong chuyến thăm Nga hồi cuối năm ngoái, Thủ tướng Israel đã mang đi thông điệp rằng, nước này đang cần thêm các đồng minh mới trong cả chính trị và kinh tế trên toàn cầu. Một phần do Mỹ vẫn đang vướng vào các điểm nóng khác như Afghanistan, Pakistan, Iran hay Triều Tiên; trong khi bản thân nước Mỹ cũng gặp khó với rất nhiều bế tắc kinh tế - chính trị trong nước.

Bởi thế đối tượng mà Israel hướng tới chính là Nga - đối trọng của Mỹ trong nhiều vấn đề. Nga dường như đáp ứng được yêu cầu của Israel là không phụ thuộc vào tiền của thế giới Arab và Hồi giáo. Trong khi nếu bắt tay với Nga - nhân tố quan trọng các vấn đề Syria hay Iran thì Israel có thể sẽ tranh thủ được một số lợi thế nhất định từ phía Nga.

Điều này cũng đã được thỏa thuận trong hợp tác khí đốt mà hai bên ký kết năm 2012. Với thỏa thuận này, Israel chia cho Nga sở hữu một phần mỏ khí đốt đầy hứa hẹn ngoài khơi Địa Trung Hải, đổi lại, Nga sẽ cân đối lại theo chiều giảm bớt quan hệ với Syria và Iran - hai kẻ thù của Israel.

Đây được đánh giá là bước đi ngoại giao chiến lược của cả hai bên. Với Israel, thỏa thuận này sẽ giúp thắt chặt hơn hợp tác kinh tế với Nga. Nhiều năm qua, các lĩnh vực hợp tác triển vọng nhất giữa Nga và Israel là khai thác mỏ khí đốt trên thềm lục địa Israel, cung cấp thiết bị năng lượng hay ngành năng lượng sạch.  Về quân sự, từ năm 2010, hai nước đã ký một hợp tác quân sự và hợp đồng Israel bán máy bay không người lái cho Nga, đổi lại, Nga đã từ chối bán vũ khí cho Syria và Iran. Trong khi đó về phía Nga, thỏa thuận hợp tác khí đốt với Israel - quốc gia mới phát hiện mỏ khí có trữ lượng lớn tại Địa Trung Hải, sẽ giúp Nga duy trì vị trí chi phối thị trường khi đốt châu Âu.

Không chỉ dừng ở những lợi ích trong quan hệ với Nga, việc Israel thể hiện thái độ trung lập trong vấn đề Ukraine, đi ngược điều Mỹ mong muốn còn cho thấy những mục tiêu khác. Đó là thái độ muốn thoát khỏi sự kiểm soát và điều khiển của Mỹ của Israel - vốn là cánh tay nối dài của Mỹ ở Trung Đông.

Thời gian gần đây, Israel cũng liên tục bày tỏ thái độ phản đối Mỹ trong tiến trình hòa bình Trung Đông với Palestine. Rõ ràng, đứng trước những lợi ích quốc gia thì Israel phải lựa chọn đối tác thực sự của mình.

Bản thân Israel có nền kinh tế hàng đầu khu vực và mong muốn có được vị thế cường quốc tại Trung Đông; đồng minh Mỹ thì lại đang mất điểm trên mọi lĩnh vực, làm suy yếu vị trí siêu cường số 1 trên thế giới. Vì thế vào thời điểm này, thay vì chỉ là đòn bẩy của Mỹ thì Israel lại đang mong muốn nhiều hơn thế. Đây chính là lý do mà Israel đã công khai bày tỏ mối quan tâm với Nga, bất chấp sự tức giận của Mỹ thời gian qua./.