Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh lập trường của người đứng đầu Nhà trắng đối với các vấn đề quốc tế cũng như quan hệ với Israel vẫn chưa rõ ràng, chương trình hạt nhân Iran sẽ là trọng tâm các cuộc thảo luận, bởi đây là điểm duy nhất chắc chắn sẽ đạt được sự đồng thuận giữa hai nhà lãnh đạo.

netayanhu_trump_ap_vmam.jpg
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu dự kiến có cuộc hội đàm với Tổng thống Donald Trump khi thăm Mỹ. Ảnh: Reuters.

Thông thường chuyến thăm của các nhà lãnh đạo Israel tới Mỹ đều gây nhiều tiếng vang tại Israel song lần này lại hoàn toàn khác.

Bởi ngay cả khi tân Tổng thống Donald Trump nhiều lần cho thấy Mỹ là “một người bạn lớn” của Israel và ủng hộ các khu định cư của nước này trên những vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine, thì các nhà lãnh đạo tại Israel cũng không thực sự biết nên “cư xử” như thế nào với ông chủ mới của Nhà trắng.

Và đây cũng là lý do Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu mới đây yêu cầu các bộ trưởng của mình không nên có bất kỳ tuyên bố nào liên quan tới chính sách của Mỹ nói chung và chính phủ Mỹ nói riêng.

Sau 8 năm căng thẳng với chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu kỳ vọng rất nhiều vào chuyến thăm Mỹ lần này. Và nhất là để chứng minh quan hệ Mỹ - Israel sẽ trở lại thời hoàng kim, tức là giai đoạn mà sự phối hợp giữa hai nước trong lĩnh vực tình báo là đầy đủ nhất và Mỹ sẽ luôn tự động sử dụng quyền phủ quyết đối với bất kỳ nghị quyết nào của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc lên án Israel.

Phát biểu trước thềm chuyến thăm, Thủ tướng Israel khẳng định: “Quan hệ đồng minh giữa Israel và Mỹ luôn cực kỳ mạnh mẽ và sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn. Cả Tổng thống Mỹ và tôi đều không chỉ theo dõi sát những mối nguy cơ từ khu vực, mà còn cả những cơ hội. Và chúng tôi sẽ thảo luận về cả hai vấn đề này, cũng như nâng cấp quan hệ Mỹ - Israel trong nhiều lĩnh vực”.

Trước lễ tuyên thệ nhậm chức và chính thức trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, ông Donald Trump đã không dưới 1 lần khẳng định sự ủng hộ hoàn toàn với Israel.

Tuy nhiên, trước việc Israel liên tiếp thông báo các kế hoạch xây dựng nhà định cư trên những vùng lãnh thổ mà nước này chiếm đóng trái phép của Palestine, hôm 2/2 vừa qua, ông Donald Trump đã có sự thay đổi về lập trường khi khẳng định, các khu định cư mới của  Israel trên những vùng lãnh thổ của Palestine sẽ không giúp  đi tới nền hòa bình.

Theo các nhà phân tích, điều này một lần nữa cho thấy, về cơ bản, cách tiếp cận của chính quyền mới tại Mỹ trong thúc đẩy hòa bình Israel - Palestine sẽ không có sự thay đổi nhiều so với thời cựu Tổng thống Obama.

Cựu đại sứ Mỹ tại Israel Daniel Shapiro nói: “Ngay trong tuần cầm quyền đầu tiên, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã cho thấy sự thận trọng của mình trong vấn đề Israel. Điều này cho thấy, chính sách của Mỹ sẽ không có sự thay đổi nhiều, tức là sẽ tiếp tục thúc đẩy hòa bình tại Trung Đông và điều này chỉ có thể đạt được thông qua giải pháp hai nhà nước giữa Israel và Palestine”.

Giới quan sát cho rằng, khi đối thoại với một người mà mình chưa thực sự hiểu rõ, ông Netanyahu sẽ thể hiện sự thận trọng nhất định dù có làm mất lòng những người ủng hộ ở trong nước và sẽ khẳng định mong muốn hòa bình, cũng như nhân cơ hội này để chỉ trích chính quyền Palestine đã từ chối thiện chí của Israel.

Bởi ông Netanyahu biết rõ rằng, dù tuyên bố ủng hộ Israel, song chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ không thể phớt lờ những lời kêu gọi  của cộng đồng quốc tế để bỏ qua việc Israel tiếp tục các khu định cư trái phép.

Chính vì thế, vấn đề các khu định cư, khả năng khôi phục tiến trình hòa bình với Palestine cũng như việc chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Tel Aviv sang Jerusalem, một lời hứa trong chiến dịch tranh của của Tổng thống Donald Trump, sẽ không là ưu tiên hàng đầu trong các cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Israel.

Cả Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ muốn tập trung vào vấn đề hạt nhân Iran hơn. Bởi ông Netanyahu vẫn chưa chấp nhận được việc Mỹ cùng với các cường quốc phương Tây thông qua thỏa thuận hạt nhân với Iran đạt được hồi tháng 7 năm ngoái. Trong khi đó, ông Donald Trump cũng nhiều lần cảnh báo sẽ hủy bỏ văn kiện này.

Trong cuộc điện đàm đầu tiên hồi tháng 1 vừa qua,  hai nhà lãnh đạo đã đạt được sự  nhất trí lớn về vấn đề hạt nhân Iran. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khi đó đã không giấu được sự hài lòng khi khẳng định Israel ủng hộ các lệnh trừng phạt kinh tế mới nhằm vào Iran…/.