Khi 5 tay súng Hồi giáo cực đoan xông vào một nhà hàng ở Dhaka, Bangladesh vào ngày 1/7/2016, có tới 29 người đã thiệt mạng vì những tay súng này. Từ lúc xảy ra vụ việc đến nay đã có thêm nhiều thông tin về vụkhủng bốdù vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời.
Đó là khoảng 20h45 Thứ Sáu, ngay trước lúc bắt đầu lễ Eid của người Hồi giáo. Nhà hàng Holey Artisan Bakery và O'Kitchen ở Gulshan – khu vực sang trọng nhất của thành phố Dhaka, đang đông khách, chủ yếu là người Nhật Bản và Italy.
Đột nhiên, 5 chiến binh trẻ tuổi nổ súng và bắt đầu dùng các vật sắc nhọn để đâm chém các thực khách.
Shishir Sarker, một trong các đầu bếp của Holey Artisan, đang đi ra từ phòng đông lạnh cùng với đĩa mì thì nghe thấy tiếng la hét.
Sarker nhớ lại: “Sau đó tôi thấy một trong những kẻ tấn công, một tay hắn xách gươm hay dao, trước ngực hắn treo một khẩu súng.
Đầu bếp Sarker có lý do để sợ hãi vì anh là một người Hindu, nếu các chiến binh Hồi giáo biết được tôn giáo của anh, điều đó sẽ đồng nghĩa với án tử hình.
“Lúc đó một người đàn ông Nhật Bản nói to với tôi: Cứu tôi với”, Sarker kể lại. “Tôi xoay người quay trở lại phòng lạnh và cũng tiện thể giúp người đàn ông kia”.
Phía trong phòng lạnh không có chốt khóa cửa nên cả hai người đàn ông này phải giữ cho cánh cửa đóng lại.
“Người đàn ông Nhật Bản hỏi tôi những kẻ kia là ai. Tôi trả lời tôi không biết, nhưng đừng lo ngại, cảnh sát đang đến”.
Trong gần 2 tiếng, cả hai người đàn ông này giữ yên lặng bên trong phòng.
Sarker kể tiếp: “Bên trong rất lạnh. Chúng tôi phải vận động để giữ cho cơ thể ấm”.
Sau đó là khoảnh khắc hãi hùng. Một trong các tay súng cố gắng mở cửa phòng lạnh.
“Chúng tôi lấy hết sức giữ cửa thật chặt và gã kia không mở được cửa. Y bỏ đi nhưng giờ thì chúng đã biết có người bên trong rồi”.
Nhà hàng Bangladesh nơi xảy ra vụ khủng bố. Ảnh: AP. |
Khoảng 10-15 phút sau, gã chiến binh quay lại.
Sarker nói: “Chúng tôi quá lạnh, chúng tôi đang mất sức dần.” Gã khủng bố kéo bung cửa ra.
“Hắn bảo tôi đi ra. Tôi sợ quá, ngã lăn xuống nền nhà và nằm ở đó. Tôi nghĩ nếu tôi mà đứng lúc đó, y có lẽ đã bổ con dao đó vào người tôi. Tôi liên tục nói: “Vì Đức Allah, xin đừng giết tôi”.
Cho rằng đầu bếp này là người Hồi giáo nên không phải là mục tiêu, tay súng bảo anh ta đi ra chỗ các đồng bọn của hắn ở bên ngoài.
“Tôi bò bằng tay và đầu gối qua các thi thể và vũng máu. Đột nhiên tôi nghe thấy 2 tiếng súng. Người đàn ông Nhật Bản ở cùng tôi trong phòng đông lạnh đã chết”.
Sarker ngồi tại một chiếc bàn cùng với các nhân viên khác của nhà hàng, tất cả đều cúi đầu xuống. Sau thời điểm 2h, một chiến binh hỏi ai là đầu bếp. Các đồng nghiệp chỉ về Sarker, và. anh bị lôi vào bếp.
“Chúng hỏi tôi là chúng tôi ăn thức ăn gì, liệu chúng tôi có ăn cá sea bass và tôm không. Tôi trả lời, có. Chúng bảo tôi rán cá và trình bày trên đĩa thật đẹp mắt.”
Lúc Sarker đang nấu, một trong các chiến binh tiến vào bếp.
“Y hỏi tên tôi là gì. Tôi chỉ nói tên mình là Shishir – tôi không nói cho chúng tên thứ 2 của mình vì sẽ lộ việc tôi là người Hindu”.
Có lẽ gã chiến binh đã nghi ngờ. Hắn bảo Sarker đọc thử kinh Koran của đạo Hồi.
Sarker bình tĩnh rán cá sea bass. Và anh đọc các đoạn trong kinh Koran.
“Trong đời tôi có nhiều người bạn Hồi giáo, nên tôi biết một số đoạn trong kinh này. Nhưng tôi quá sợ. Tôi nghĩ, liệu mình có thỏa mãn y hay không?”
Để tuân thủ tục lệ Hồi giáo trong tháng Ramadan, thức ăn được đưa lên phục vụ cả con tin và nhân viên nhà hàng trước lúc bình minh.
Sarker kể tiếp: “Tôi quá sợ. Khi ăn, tôi không nuốt nổi thức ăn. Nhưng tôi nghĩ bụng, nếu mình không ăn, bọn chúng sẽ nghĩ mình chẳng phải chay tịnh trong ngày tiếp theo, và khi đó chúng sẽ đoán tôi không phải là người Hồi giáo”.
Đến khi mặt trời mọc, Chiến dịch Sấm Sét – một cuộc tấn công bằng đặc nhiệm và xe thiết giáp chở quân, đã chấm dứt vụ bắt giữ con tin. Năm chiến binh Hồi giáo nằm chết. Sarker và những đồng nghiệp còn sống được giải cứu.
Tuy nhiên cuộc sống có lẽ không còn như trước nữa đối với người đầu bếp trẻ này. Anh đã làm việc trở lại nhưng vẫn bị chấn thương vì cái đêm địa ngục đó.
“Tôi không thấy tương lai gì nữa. Tôi không thể ngủ ngon được nữa. Hễ khi nào ở một mình, tôi lại nghĩ tới đêm đó. Tôi chẳng làm được gì nữa. Tôi cảm thấy kinh hãi.”/.