Ít nhất nửa triệu người bị kẹt bên trong thành phố Mosul của Iraq không được tiếp cận nước máy – đó là thông tin mà Liên Hợp Quốc cung cấp cho đài CNN (Mỹ) vào hôm 30/11 vừa qua.
Một trong các đường ống dẫn nước chính đã bị tấn công khi quân đội Iraq đụng độ với chiến binh của tổ chức khủng bố IS ở nhiều khu vực thuộc phía đông Mosul.
Khó sửa đường ống bị vỡ
Theo một thông cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), đoạn đường ống bị phá hủy vẫn nằm trong lãnh thổ mà IS kiểm soát – điều này gây khó khăn cho việc tiếp cận và sửa chữa chỗ bị hỏng.
Một cuộc tấn công do Iraq khởi xướng đã bắt đầu vào tháng 10/2016 với mục tiêu giải phóng thành phố Mosul – thành trì quan trọng cuối cùng của khủng bố IS ở Iraq. Chiến dịch này diễn ra trong bối cảnh thành phố đã bị IS chiếm đóng trong hơn 2 năm.
Giới chức và các nhân chứng thừa nhận việc đường ống bị vỡ. Zuhair Hazem al-Jabouri – một quan chức Hội đồng thành phố Mosul phụ trách các dịch vụ điện nước của thành phố này cho biết, vấn đề trở nên phức tạp hơn khi IS cố tình cắt đứt nguồn nước cung cấp cho các quận gần nơi giao tranh trong thành phố.
Jabouri nói: “Chúng (IS) đã cúp điện cấp cho các trạm cung cấp nước cho một số quận mà tại đó quân Iraq đang tiến bước. Chúng đang tước bỏ của người dân miền đông Mosul quyền được sử dụng nước uống. Chúng muốn buộc người dân phải rút lui theo chúng, để chúng có thể sử dụng họ làm lá chắn sống”.
Liên Hợp Quốc chưa kiểm chứng được các nguồn tin trên. Họ cho biết, chính sách “thờ ơ” của nhóm IS đã đủ để khiến hơn 1 triệu cư dân bị kẹt trong thành phố “lãnh đủ”.
Lise Grande, một điều phối viên nhân đạo Liên Hợp Quốc ở Iraq, nói với CNN: “Mô típ quen thuộc mà chúng tôi thấy ở nhiều thành phố bị IS chiếm đóng bấy lâu nay là: Chúng sẽ sử dụng nước, lương thực và bất cứ thứ gì tương tự để cưỡng ép người dân”.
“Trong khi phía quân đội chính phủ Iraq làm mọi thứ có thể để bảo vệ dân thường thì phía IS lại làm tất cả gì những gì có thể để gây tổn thương cho họ”.
Nhóm khủng bố IS nắm quyền kiểm soát các nhà máy điện nước quan trọng phục vụ hàng ngàn hộ gia đình ở Mosul – thành phố lớn thứ 2 Iraq.
Sabah al-Numan, phát ngôn viên của lực lượng chống khủng bố Iraq, nói với CNN: “Chúng tôi có thông tin khẳng định IS đóng mở các nguồn nước theo ý của chúng”.
Kẹt sau phòng tuyến địch
Mới đây các đơn vị dân quân PMU tuyên bố các lực lượng do Iraq đứng đầu đã bao vây chặt thành phố Mosul.
Cuộc tiến quân lần này của Iraq đã khiến nhóm IS tại đây “nghẹt thở” do phía Iraq đã cắt đứt các nguồn tiếp tế cho các chiến binh Hồi giáocực đoan.
Binh sĩ người Kurd kể chuyện giao chiến ác liệt với IS ở Mosul
Nhưng đối với những người dân còn đang trú ngụ bên trong thành phố thì động thái trên của quân đội Iraq cũng khiến họ rơi vào thế bị bao vây và buộc phải trông chờ vào IS để được đáp ứng các nhu cầu thiết yếu.
Izzeddin Aldola, một nghị sĩ quốc hội Iraq nói với CNN: “Hàng trăm ngàn dân thường đang ở vào cảnh khốn đốn do thiếu nước, điện, lương thực và chăm sóc y tế... Tôi đang kêu gọi tất cả các tổ chức quốc tế hãy nỗ lực hơn nữa để chấm dứt thảm kịch ở Mosul. Chúng tôi cần thêm sự trợ giúp”.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hơn 1.200 người, bao gồm các trẻ em mới chỉ 2 tháng tuổi, đã được điều trị vì các chấn thương do mảnh bom, đạn súng trường và đạn súng cối.
Khốn khổ vì phải dùng nước bẩn từ giếng tạm
Trong khoảng 10 ngày, các cư dân Mosul không có nước sạch để uống. Một số cộng đồng dân cư đã tự liên kết với nhau để khoan những chiếc giếng tạm bợ kể từ khi IS lần đầu giành quyền kiểm soát đối với thành phố này vào năm 2014. Và giờ đây các giếng thô sơ này đang được đưa vào sử dụng trở lại.
Một người cha lấy bí danh là Abu Ahmed (vì lý do an ninh) nói với CNN rằng việc lấy nước từ các giếng này rất phức tạp và tốn sức.
Để kéo nước lên đòi hỏi phải có một máy phát điện loại nhỏ cùng nhiên liệu – thứ hàng xa xỉ hiện nay.
Đã thế nước từ giếng thường bị bẩn, khiến cư dân đứng trước nguy cơ mắc các bệnh do nguồn nước không đảm bảo.
Khoảnh khắc kinh hoàng dưới họng súng của “tử thần” IS
Abu Ahmed cho biết thêm: Mỗi hộ gia đình phải đợi vài ngày mới đến lượt lấy nước, mà chỉ là vài bình nước bẩn.
Anh này nói: “Các con tôi không hiểu rằng chúng tôi phải nỗ lực nhiều lắm để có được nước và đồ ăn. Chúng không biết là chúng tôi đang ăn đong từng ngày.”
Chị gái của anh này, tên là Om Nayem, cho biết chị chưa bao giờ lại phải sử dụng giếng tạm trong một thời gian dài đến thế. Chị và 5 đứa con đã bị kẹt ở đây trong hàng tuần do chiến sự.
“Chúng tôi đinh ninh mình sẽ là những người đầu tiên được giải phóng, nhưng chúng tôi vẫn đang phải đợi. Chúng tôi đều cảm thấy rất chán nản”.
Người phụ nữ này nói rằng chị chưa dám ra khỏi nhà trong gần 2 tháng nay và hiếm khi để cho các con đi quá cửa trước. Việc chơi đùa của lũ trẻ đều ở trong nhà.
Đứa con trai 16 tuổi của chị có lẽ bị ảnh hưởng nhất do chiến sự ở đây. “Thằng bé không ngủ được, nó thường xuyên than phiền – Khi nào chúng ta sẽ được tự do?”
Chị nói thêm: “Hy vọng hàng đầu của tôi là an toàn. Đây là điều quan trọng nhất đối với chúng tôi. Chúng tôi muốn thế giới biết chúng tôi đã hứng chịu nhiều khổ đau rồi và chúng tôi chỉ muốn trở lại với cuộc sống bình thường”.
Abu Ibrahim, một người cha khác ở Mosul, cho biết nếu các lực lượng Iraq không sớm giải phóng được quận nơi anh sinh sống thì anh có thể phải rút về các cứ điểm ở phía tây thành phố.
Anh này nói với CNN qua điện thoại di động: “Tôi không muốn thấy các con chết trước mắt tôi. Nếu tình hình cứ tiếp tục như thế này thì tôi không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc cùng gia đình bỏ nhà cửa để sang phía tây”./.