Ngày 14/12, hàng chục nghìn người đã đổ về thủ đô Kiev, tham gia cuộc mít tinh quy mô lớn nhằm ủng hộ chính quyền, trong khi phe đối lập phát động cuộc biểu tình mà họ nói là sẽ có sự tham gia của “triệu người” trong ngày 15/12.

Những người biểu tình mang theo các băng rôn, khẩu hiệu ủng hộ Tổng thống đương nhiệm Viktor Yanukovich: “Chúng tôi có mặt ở đây để ủng hộ Tổng thống. Tôi nghĩ rằng những gì ông ấy đang làm là đúng đắn”.

Người biểu tình Ukraine tại Quảng trường Độc lập (Ảnh AP)

Phát biểu trước đám đông những người ủng hộ chính phủ tại quảng trường Châu Âu, Thủ tướng Mykola Azarov khẳng định, trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được để đất nước bị chia rẽ giữa Đông và Tây, bởi đây thực sự là thảm họa đối với Ukraine.

Ông nhấn mạnh, mọi vấn đề cần được giải quyết trên cơ sở lợi ích quốc gia, đồng thời kêu gọi phe đối lập tiếp tục đàm phán để giải quyết tất cả các vấn đề đang gây tranh cãi.

Thủ tướng Azarov cho biết, Ukraine cần trở thành đối tác đầy đủ của EU, song nước này không thể đi theo hướng ký Hiệp định liên kết với EU rồi bị "phá sản".

Bởi vậy, con đường của Ukraine sẽ là dần dần đạt được các tiêu chuẩn kinh tế và giá trị của châu Âu. Ông cũng thông báo, Chính phủ Ukraine sẽ ký với Nga một số hiệp định quan trọng vào tuần tới, cho phép tạo ra nhiều việc làm mới, đặc biệt trong các ngành chế tạo ô tô và máy bay.

Bất chấp sự phản đối của phe đối lập, Tổng thống Yanukovich dự kiến sẽ thăm Nga vào ngày 17/12.

Trong khi đó, tại Quảng trường Độc lập, khoảng 5.000 người vẫn tiếp tục biểu tình yêu cầu Chính phủ từ chức. Phe đối lập cho biết các cuộc biểu tình chống chính phủ diễn ra ngày 15/12 sẽ có sự tham gia của khoảng 1 triệu người.

Hiện phương Tây cũng như Nga đang theo dõi sát sao những diễn biến tại Ukraine.

Một ngày trước khi diễn ra cuộc biểu tình quy mô lớn của phe đối lập ở Ukraine, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, người có tiếng nói hàng đầu của phe Cộng hòa về các vấn đề chính sách đối ngoại, và Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Chris Murphy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu của Thượng viện Mỹ đã có mặt tại thủ đô Kiev.

Phát biểu sau cuộc gặp lãnh đạo phe đối lập Ukraine, ông John McCain cho biết: “Chúng tôi nhắc lại cam kết đối giải pháp hòa bình. Ukraine là một quốc gia châu Âu và không ai trong chúng ta muốn có bất kỳ hình thức bạo lực nào. Đây là các cuộc biểu tình hòa bình và chúng tôi mạnh mẽ phản đối việc sử dụng bạo lực của bất kỳ bên nào”.

Trước chuyến thăm của các thượng nghị sỹ Mỹ, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố nhà chức trách Ukraine cần loại bỏ hoàn toàn những biện pháp cứng rắn và cho phép phe đối lập nước này tuần hành vào cuối tuần trong hòa bình, đồng thời cảnh báo rằng Mỹ sẽ theo dõi sát sao tình hình.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng các cuộc biểu tình rầm rộ tại thủ đô Kiev thời gian qua do những kẻ khiêu khích đứng đằng sau giật dây.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Nước Nga 24, ông Lavrov nêu rõ tình hình tại Ukraine đã được "đạo diễn" và chuẩn bị từ lâu.

Trong các phát biểu trước đó, Ngoại trưởng Lavrov cho rằng, tình hình căng thẳng tại Ukraine liên quan tới sự kích động của nhiều nước châu Âu sau khi các nhà lãnh đạo Ukraine không đồng ý ký hiệp định liên kết với EU với lý do chưa giải quyết được vấn đề đền bù thiệt hại mà nền kinh tế Ukraine có thể phải hứng chịu.

Cũng trong ngày 14/12, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon khẳng định, tương lai của Ukraine phải được chính người dân nước này quyết định, do đó các bên liên quan nên bắt đầu tiến hành đối thoại và tránh bạo lực./.