Khi Israel mở lại chiến dịch tấn công tại dải Gaza, đã có ít nhất 9 thường dân Palestine thiệt mạng do trúng đạn pháo của quân đội Israel, nâng tống số người Palestine thiệt mạng trong chiến dịch “Bảo vệ biên giới” kéo dài 20 ngày qua của Israel, lên hơn 1.000 người.

Trước những diễn biến tại dải Gaza, cộng đồng quốc tế vẫn tiếp tục các nỗ lực ngoại giao và kêu gọi Israel cùng lực lượng vũ trang Hamas của Palestine nhanh chóng chấm dứt xung đột.

cot_khoi_cbmv.jpgHai cột khói bốc lên tại phía Đông Gaza sau cuộc tấn công của Israel (Ảnh Reuters)

Trong một tuyên bố mới nhất, lực lượng Hamas ngày 27/7 tuyên bố chấp thuận lệnh ngừng bắn nhân đạo kéo dài 24 giờ. Theo đó, lệnh ngừng bắn nhân đạo kéo dài 24 giờ này sẽ bắt đầu từ 14h ngày 27/7.

Người phát ngôn lực lượng Hamas Sami Abu Zuhri nêu rõ: “Căn cứ vào những nhận định của Liên Hợp Quốc cùng với việc tính đến điều kiện sống của người dân dải Gaza và thời điểm lễ Eid al-Fitr sắp bắt đầu, chúng tôi quyết định chấp thuận thỏa thuận ngừng bắn 24 giờ”.

Tuy nhiên, Israel đã ngay lập tức bày tỏ sự hoài nghi trước tuyên bố trên của Hamas. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình NBC của Mỹ ngày 27/7, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhấn mạnh: “Chúng tôi chấp thuận thỏa thuận ngừng bắn gồm 5 điểm song lực lượng Hamas đã bác bỏ một số các điều kiện mà chúng tôi đưa ra, bao gồm cả việc ngừng bắn vì mục tiêu nhân đạo mà chúng tôi đã chấp nhận và thực thi trong vòng 24 giờ qua. Giờ họ lại gợi ý về một thỏa thuận ngừng bắn và nói chúng tôi hãy tin tưởng đề xuất của họ. Thực tế, bản thân lực lượng Hamas đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn. Họ đã bắn chúng tôi”.

Trước đó, khi Israel quyết định kéo dài lệnh ngừng bắn thêm 24 giờ, lực lượng Hamas đã kiên quyết phản đối vì cho rằng Israel không đáp ứng những đòi hỏi của Hamas.

Theo lực lượng Hamas, bất kỳ lệnh ngừng bắn nhân đạo nào mà Israel đưa ra cho đến nay đều không bao gồm việc Israel rút lực lượng khỏi Dải Gaza, không cho phép người dân Gaza trở về nhà và chăm sóc người bị thương. Các lệnh ngừng bắn như vậy đều “không thể chấp nhận được”.

Trong khi đó, Israel lại từ chối mọi đề xuất của quốc tế và khu vực nhằm chấm dứt bạo lực tại Gaza, cho rằng mục đích của chiến dịch “Bảo vệ biên giới” của Israel là nhằm ngăn chặn các vụ nã rocket của Hamas, đồng thời phá hủy các đường hầm được Hamas sử dụng để tiến hành các hoạt động chống phá Israel.

Có thể thấy, thỏa thuận ngừng bắn mà các bên đưa ra luôn là thỏa thuận ngừng bắn đơn phương, chứ không phải từ hai phía. Nguyên nhân xâu sa là do các bên luôn nghi ngại và không có lòng tin đối với nhau. 

Hậu quả nhãn tiền là tính đến nay đã là 21 ngày kể từ khi Israel bắt đầu chiến dịch “Bảo vệ biên giới”, gây ra cuộc xung đột đẫm máu tại dải Gaza, làm gần 1.100 người Israel và Palestine thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương, trong đó đa phần là người dân Palestine. 

Xung đột cũng đồng nghĩa với việc cuộc sống của hàng nghìn người dân tại dải Gaza bị đảo lộn. Thực tế này đã khiến cộng đồng quốc tế tiếp tục bày tỏ quan ngại về tình hình tại dải Gaza.

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 27/7 đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Netanyahu, hối thúc ông Netanyahu nhanh chóng thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn bền vững và ngay lập tức tại dải Gaza.

Theo thông cáo của Văn phòng Tổng thống Mỹ, Israel có quyền phòng vệ song phải nhanh chóng xây dựng một bản thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức và không có điều kiện tại dải Gaza. Ông Obama cũng bày tỏ quan ngại về số thường dân Palestine thiệt mạng do xung đột tại dải Gaza.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vẫn đang xúc tiến các nỗ lực ngoại giao con thoi nhằm thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và lực lượng Hamas. Ông Kerry đang có kế hoạch tìm kiếm các thỏa thuận ngừng bắn tạm thời giữa Israel và lực lượng Hamas, xem đây như một bước đệm để đưa cả hai bên ngồi vào bàn đàm phán, tiến tới một kế hoạch hòa bình lâu dài tại dải Gaza.

Trong một tuyên bố mới đây tại Pháp, ông Kerry cũng đã từng nhấn mạnh đến kế hoạch này: “Tôi và cộng đồng quốc tế đều hy vọng cả Israel và lực lượng Hamas có thể tiến hành một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài mà ở đó mọi người có thể chung sống cùng nhau và cùng hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn bền vững. Điều đó cần nỗ lực mang tính dài hạn của các bên nhằm tìm ra những điểm khó khăn, những bất đồng giữa Israel và các lực lượng Palestine để hóa giải. Tôi rất hy vọng điều đó sẽ xảy ra”.

Về phía Liên Hợp Quốc, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Ban Ki-moon ngày 27/7 cũng đã dùng những ngôn từ mạnh mẽ nhết hối thúc cả Israel và Palestine mở rộng lệnh ngừng bắn.

Ông Ban Ki-moon kêu gọi các quốc gia và các nhà lãnh đạo thế giới có tầm ảnh hưởng đối với cả Israel và lực lượng Hamas tác động đến cả hai bên nhằm đi đến một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài tại dải Gaza./.