Thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ là tương lai của khu vực Trung Đông. Đây là nhận định của giới quan sát khi cuộc thảo luận mới nhất giữa Mỹ, Liên minh châu Âu và Iran vừa diễn ra, với một số bước tiến mới. Các bên vẫn còn nhiều việc phải làm khi thời hạn chót ngày 24/11 cho một thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran đang đến gần.
Cuộc đàm phán giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif và Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu Catherine Ashton đang diễn ra tại Vienna, Áo, không đơn thuần chỉ là đàm phán với nhau.
Tại cuộc gặp kéo dài 6 giờ đồng hồ này, cả phương Tây và Iran đều thể hiện nỗ lực nhằm chấm dứt căng thẳng xung quanh chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran đã dai dẳng nhiều thập kỷ qua.
Thông tin từ ông Michael Mann, người phát ngôn của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu khẳng định, các bên đang làm việc và nỗ lực hết mình tại bàn đàm phán.
Ông Mann nói: “Điều mà chúng tôi thấy được tại bàn đàm phán là sự nỗ lực hết mình. Thời hạn chót đang đến gần và chúng tôi sẽ phải làm việc chăm chỉ để đạt được những tiến triển. Tôi không thể dự đoán trước điều gì sẽ xảy ra. Chúng ta sẽ thấy kết quả này sau khi đàm phán kết thúc”
Đến nay, đàm phán hạt nhân Iran vẫn vướng mắc ở vấn đề cốt lõi chưa thể giải quyết, là nghi ngờ của phương Tây về việc Iran sử dụng chương trình hạt nhân để chế tạo vũ khí, trong khi, Iran luôn bác bỏ những biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Chỉ hơn 1 tháng nữa là đến hạn chót để các bên tiến tới một thỏa thuận cuối cùng, phía Iran cho rằng vẫn cần thêm thời gian, còn theo Mỹ thì đây là cơ hội lịch sử mà Iran không nên bỏ lỡ để giải tỏa hoàn toàn nghi ngại của cộng đồng quốc tế và đổi lấy cơ hội kinh tế cũng như chấm dứt sự cô lập.
Thực tế thì, đây không phải là “thời hạn chót” duy nhất mà P5+1 và Iran đặt ra cho đàm phán hạt nhân. Các bên đã từng bỏ lỡ cơ hội lịch sử và thời hạn chót vào ngày 20/7 trước đó. Dù thể hiện nỗ lực để đạt được đột phá trên bàn đàm phán, song những bất đồng then chốt không dễ dàng giải quyết.
Không chỉ đối diện với các nhà đàm phán phương Tây, Tổng thống “ôn hòa” của Iran Hassan Rouhani còn thuyết phục các chính trị gia bảo thủ trong nước và phải giành được sự ủng hộ của lãnh tụ tinh thần tối cao Ali Khamenei cho vấn đề này.
Trong khi đó, Tổng thống Obama cũng đang trong tình thế tương tự tại Quốc hội, khi sức ép và sự cô lập ngày càng gia tăng với chính phủ và Tổng thống Obama. Mỹ đang quá tập trung vào mức độ làm giàu urani của Iran hoặc lượng urani nước này có thể dữ trữ. Đây đúng là vấn đề quan trọng song nó cũng có thể khiến các bên bỏ lỡ cơ hội đưa đàm phán đến đích.
Tổng thống Iran Rouhani từng nói rằng, thời hạn 24/11 là có thể đạt được nếu các bên thực sự thiện chí và nghiêm túc bất kể những bất đồng sâu sắc hiện nay. Lịch sử cho thấy, các biện pháp trừng phạt có thể đưa Iran ngồi vào bàn đàn phán, nhưng rõ ràng sẽ không thể làm các nhà lãnh đạo Iran phản bội lại các lợi ích của đất nước.
Trong bối cảnh bất ổn khu vực ngày càng gia tăng với mối đe dọa từ Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Mỹ đã đến lúc phải chấp nhận thực tế rằng nước Cộng hòa Hồi giáo Iran đang đóng vai trò quan trọng tại khu vực Trung Đông đầy bất ổn.
Mỹ có thể phải hy sinh lợi ích của mình và các đồng mình cho thỏa thuận này, song chắc chắn một thỏa thuận hạt nhân với Iran sẽ mở ra những lựa chọn mới cho Mỹ tại khu vực này, đặc biệt khi giải pháp quân sự không phải là điều khôn ngoan. Trong trường hợp đàm phán thất bại, cả Iran và Mỹ sẽ đều hứng chịu tổn thất về chiến lược và chính trị.
Do đó, điều cần thiết nhất lúc này là sự sẵn sàng thỏa hiệp giữa Iran và phương Tây, nhằm tác động tích cực vào quá trình tái định hình nền móng chính trị ở Trung Đông. Một thỏa thuận hạt nhân phải có thể và phải đạt được vì lý do đơn giản rằng nó sẽ mang lại lợi ích cho tất cả và không có gì thay thế được thỏa thuận này./.