Ngày 1/10, tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên kể từ khi tiến trình hòa bình Trung Đông sụp đổ do cuộc xung đột tại Dải Gaza hồi tháng 8 vừa qua. 

Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Israel đã cố gắng lảng tránh những vấn đề mà hai bên còn đang bất đồng để đề cập những vấn đề cả hai bên có cùng quan điểm như cuộc chiến chống các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

obama_ybge.jpgThủ tướng Israel Netanyahu (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama (Ảnh White House)
Thủ tướng Netanyahu bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Mỹ trong cuộc chiến này. Tuy vậy, cả hai vẫn không thể che giấu sự khác biệt về một số vấn đề khiến quan hệ trở nên căng thẳng trong thời gian qua. 

Điểm mấu chốt của sự bất đồng Mỹ-Israel là ông Netanyahu muốn Tehran hoàn toàn bị tước bỏ khả năng hạt nhân của mình, trong khi Tổng thống Obama đã đề nghị mở cửa cho Iran tiếp tục làm giàu urani cho các mục đích dân sự. 

Tổng thống Mỹ Obama nói: “Chúng ta có cơ hội để thảo luận về những tiến bộ đang được thực hiện để đối phó với chương trình hạt nhân của Iran. Đây rõ ràng là một ưu tiên không chỉ đối với Israel mà còn cả Mỹ và cộng đồng quốc tế”. 

Trong khi đó, Thủ tướng Israel lại gây sức ép và đưa ra cảnh báo về hướng đàm phán giữa Iran với các cường quốc về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran. 

Theo ông, Iran đang tìm kiếm một thỏa thuận cho phép nước này phát triển năng lượng hạt nhân trong khi vẫn được phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Ông Netanyahu bày tỏ hy vọng, với vai trò là nước trung gian, Mỹ sẽ không để điều này xảy ra vì tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân của Iran là mối đe dọa hiện hữu. 

Thủ tướng Israel nhấn mạnh việc ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân là mục tiêu quan trọng của cả ông và Tổng thống Obama, và điều này "còn khẩn thiết hơn" chiến dịch quốc tế chống tổ chức IS tự xưng hiện nay. 

“Israel hỗ trợ nỗ lực chống lại IS của Mỹ. Chúng tôi tin rằng, tất cả mọi người nên ủng hộ điều này và thậm chí còn quan trọng hơn là mục tiêu chung của chúng ta ngăn chặn Iran trở thành một cường quốc hạt nhân quân sự. Như Ngài Tổng thống đã biết, Iran tìm kiếm một thỏa thuận để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt mà nước Mỹ rất khó khăn mới áp đặt được. Tôi hy vọng rằng, dưới dự lãnh đạo của Ngài, sẽ không cho phép Tehran đứng bên "ngưỡng cửa" của khả năng phát triển vũ khí hạt nhân”, ông Netanyahu nói. 

Ngoài ra, tại cuộc gặp, Mỹ cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những các báo cáo nói rằng Chính phủ Israel đang tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch xây 2.600 căn nhà tái định cư ở "những vùng nhạy cảm" thuộc Đông Jerusalem. 

Theo ông Obama, Nhà nước Do Thái sẽ gửi đi một "thông điệp rắc rối" nếu tiếp tục đeo đuổi các dự án mở rộng tái định cư, trái ngược với mục tiêu tuyên bố trước đó của chính nước này về mong muốn đạt được thỏa thuận hòa bình lâu dài với Palestine. 

Ông Obama cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với quyền tự bảo vệ mình của Israel trước các đợt bắn rocket của phong trào Hamas. Tuy nhiên, ông cũng chỉ trích các đợt không kích của Israel gây thương vong cho dân thường Palestine.       

Bên cạnh hai vấn đề chính nói trên, cuộc đàm phán song phương còn đề cập đến cuộc chiến chống IS do Washington dẫn đầu. Thủ tướng Netanyahu bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Mỹ trong cuộc chiến này./.