Ngày 4/10, phát biểu trong cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Rex Tillerson cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ đệ trình lên Tổng thống Donald Trump một số phương án đề xuất đối với tương lai của thỏa thuận hạt nhân Iran (có tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA) trước thời điểm ngày 15/10 để xác nhận liệu Iran có tuân thủ thỏa thuận này hay không.

tillerson_jcpoa_ninh.jpg
Ngoại trưởng Tillerson tại cuộc họp báo ngày 4/10. (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Tillerson đã không tiết lộ chi tiết về các phương án mà Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ đệ trình lên Tổng thống Donald Trump.

“Chúng tôi sẽ đệ trình một bản kiến nghị lên Tổng thống, trong đó sẽ đề xuất một số phương án làm thế nào để triển khai một chính sách quan trọng với Iran”, ông Tillerson nêu rõ. “Như chúng tôi đã phát biểu nhiều lần, JCPOA ký kết với Iran chỉ đại diện cho một phần nhỏ trong nhiều vấn đề mà chúng ta cần phải giải quyết khi nói đến mối quan hệ với Iran. Đây một phần quan trọng nhưng không phải là phần duy nhất. Chúng ta không thể để cho mối quan hệ với Iran được xác định chỉ bằng thỏa thuận hạt nhân đó”.

Ngoại trưởng Tillerson cũng từ chối bình luận về đánh giá gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis rằng Iran cơ bản đã tuân theo thỏa thuận.

JCPOA được ký giữa nhóm 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức (nhóm P5+1) với Iran vào tháng 7/2015 là kết quả mang tính lịch sử sau nhiều năm đàm phán cam go. Theo đó, về cơ bản, Mỹ có quyền đưa ra các hạn chế và có thể mở rộng mức độ hạn chế đối với việc Iran sở hữu nhiên liệu hạt nhân.

Tuy nhiên, trong bài phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 19/9 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên án mạnh mẽ thỏa thuận hạt nhân với Iran, cảnh báo chính quyền của ông đã sẵn sàng từ bỏ thỏa thuận này. Ông cho rằng thỏa thuận hạt nhân với Iran là một trong những thỏa thuận tồi tệ nhất mà Mỹ từng tham gia và là một sự hổ thẹn đối với nước Mỹ.

Trong trường hợp Tổng thống Donald Trump từ chối xác nhận sự tuân thủ thỏa thuận hạt nhân của Iran, Quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày để quyết định có nên áp dụng lại những biện pháp trừng phạt đối với Iran đã bị đình chỉ theo thỏa thuận hạt nhân hay không. Nếu Mỹ nối lại các lệnh trừng phạt với Iran, thỏa thuận hạt nhân này có thể sẽ bị sụp đổ và gây ra căng thẳng tại khu vực./.