Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 2/12 tuyên bố sẵn sàng gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu bên lề cuộc họp Ngoại trưởng Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) diễn ra từ ngày 3/12 và ngày 4/12 tại thủ đô đô Belgrade của Serbia.

erdogan_lvpy.jpg
Tổng thống Erdogan. Ảnh: Hiiraan.

Nếu diễn ra, đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa giới chức Ngoại giao hai nước sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga hôm 24/11 vừa qua tại khu vực biên giới Syria giáp Thổ Nhĩ Kỳ.

Phát biểu khi tới thủ đô Belgrade) để tham dự Hội nghị 2 ngày của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), ông Lavrov cho biết đã điện đàm với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu ngay sau vụ phi cơ Su-24của Nga bị bắn hạ song phía Thổ Nhĩ Kỳ không tỏ ra hối tiếc về vụ việc này.

Theo ông Lavrov, Nga sẽ không từ chối ý định của phía Thổ Nhĩ Kỳ về một cuộc gặp trực tiếp cấp Ngoại trưởng bên lề Hội nghị Ngoại trưởng Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu để lắng nghe những ý kiến mới từ ông Cavusoglu: “Nếu cuộc gặp với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ có thể diễn ra và để đáp lại nỗ lực của phía Thổ Nhĩ Kỳ, tôi sẵn sàng tham gia cuộc gặp này bên lề Hội nghị Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu”.

Mặc dù vậy, Ngoại trưởng Nga đã khẳng định quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể được tiếp tục như bình thường sau vụ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga.

Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn từ chối đưa ra lời xin lỗi về vụ việc trên, nhưng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan trong chuyến thăm Doha của Qatar nói rằng, ông muốn một giải pháp ngoại giao với Nga sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ máy bay Su-24 của Nga: “Chúng tôi không muốn leo thang cuộc khủng hoảng. Chúng tôi muốn kích hoạt các kênh ngoại giao. Chúng tôi biết rằng sự leo thang sẽ không có lợi cho bất cứ bên nào”.

Những động thái cố gắng hàn gắn quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga diễn ra trong bối cảnh hôm 1/12, chính phủ Nga đã công bố danh sách chi tiết các mặt hàng bị cấm giao dịch với Thổ Nhĩ Kỳ theo sắc lệnh trừng phạt kinh tế của tổng thống Nga ký ngày 28/11.

Trong các mặt hàng thực phẩm của Thổ Nhĩ Kỳ bị cấm nhập khẩu từ ngày 1/1/2016 có thịt gia cầm, nhiều loại trái cây và rau tươi… Ủy ban liên chính phủ về hợp tác thương mại và kinh tế giữa hai nước cũng đã ngừng hoạt động. Các giao dịch về thương mại và đầu tư cũng vậy. 2.000 giấy phép cấp cho các công ty vận tải đường bộ Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2016 đã bị hủy bỏ.

Trong khi đó, NATO đã gần như quay lưng với Thổ Nhĩ Kỳ để hướng tới hợp tác chặt chẽ hơn với Nga trong cuộc chiến chống khủng bố. Thay vì tỏ ra bênh vực Thổ Nhĩ Kỳ như lúc đầu, NATO đang đứng ngoài và thúc ép chính quyền Tổng thống Erdogan tự giải quyết các mâu thuẫn với Nga.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng hối thúc Nga, Thổ Nhĩ Kỳ tìm biện pháp tránh lặp lại những vụ việc có thể ngăn cản nỗ lực thành lập một mặt trận chung chống nhóm Nhà nước Hồi giáo./.