Nguyên nhân từ tuyên bố trên xuất phát từ việc Đức không hành động theo yêu cầu của nước này về việc dẫn độ những người ủng hộ giáo sỹ đối lập Thổ Nhĩ Kỳ Fethullah Gullen về nước.

erdogan_utlh.jpg
Việc Đức từ chối dẫn độ giáo sỹ Gullen đã khiến Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan có những lời lẽ gay gắt nhằm vào Đức. Ảnh: AP

Thổ Nhĩ Kỳ đang truy nã giáo sỹ Gullen hiện sống lưu vong tại Mỹ vì nghi ngờ có liên quan đến âm mưu đảo chính hồi tháng 7 vừa qua. Tổng thống Erdogan cho biết đã đề cập vấn đề này với Thủ tướng Đức Angela Merkel.

“Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã gửi một văn bản ngoại giao yêu cầu Đức bắt giữ và dẫn độ những người thuộc tổ chức khủng bố của giáo sỹ Fethullah Gullen (FETO) về nước.

Đây là những người đã ở Đức một thời gian dài và các tòa án của Thổ Nhĩ Kỳ đều đã ra lệnh truy nã họ. Nhưng Bộ Tư pháp Đức lại từ chối dẫn độ họ. Chúng tôi quan ngại về lập trường của Đức. Như thế là họ đang khích lệ chủ nghĩa khủng bố”, ông Erdogan nói.

Theo ông Erdogan, Đức từ lâu đã là nơi trú ẩn của các phần tử vũ trang từ Đảng Công nhân người Kurd ( PKK) đến nhóm Mặt trận Giải phóng nhân dân cách mạng (DHKPC), từng tiến hành nhiều cuộc tấn công tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Erdogan cũng cho rằng, Đức đang trở thành sân sau cho Tổ chức ủng hộ Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gullen– bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đứng đằng sau cuộc đảo chính bất thành tại nước này vào tháng 7 vừa qua.

Trước đó, Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas ngày 1/11 thông báo với báo giới rằng ông không muốn đánh giá liệu phong trào của giáo sỹ Gulen có mang bản chất chính trị hay không.

Ông Maas cũng cho biết, Đức sẽ không dẫn độ những nghi phạm phải đối diện với cáo buộc về chính trị mà chỉ có người phạm tội hình sự mới bị xem xét dẫn độ về nước.

Mối quan hệ giữa Thổ  Nhĩ Kỳ và Đức gần đây gặp nhiều sóng gió, đặc biệt sau cuộc đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đức đã lên tiếng cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ về việc nước này xem xét áp dụng lại án tử hình sau cuộc đảo chính quân sự đêm 15/7, cho rằng "một quốc gia có án tử hình không thể là thành viên của Liên minh châu Âu (EU)".

Tháng 6 vừa qua, Hạ viện Đức cũng thông qua nghị quyết lên án cuộc thảm sát 1,5 triệu người Armenia năm 1915 là tội ác diệt chủng. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã ngay lập tức có phản ứng, ra quyết định triệu hồi Đại sứ nước này tại Đức để tham vấn.

Những căng thẳng gia tăng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Đức có thể ảnh hưởng đến sự hợp tác giữa chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ với Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề người di cư, đang làm "đau đầu" nhiều nước châu Âu hiện nay./.