Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 2/10, đã bật đèn xanh cho quân đội hành động quân sự chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng tại Iraq và Syria, trong bối cảnh nhóm cực đoan này đã tiến sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Dù được xem là sẽ tiếp thêm sức mạnh cho liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu, song quyết định cũng đặt Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vào thế khó, bởi mối đe dọa từ nhóm Nhà nước Hồi giáo không phải là vấn đề duy nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. 

cancukhong_quan_ikrw.jpgCăn cứ không quân tại Incirlik, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: EPA)

Được thông qua với 3/4 số phiếu ủng hộ tại Quốc hội, văn kiện cho phép quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có thể tham gia chiến dịch quân sự chống nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng trên lãnh thổ Iraq và Syria, đồng thời cho phép các lực lượng nước ngoài tấn công nhóm nổi dậy từ lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ và sử dụng các căn cứ quân sự tại đây. 

Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Ismet Yilmaz một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết của chiến dịch quân sự này, trong bối cảnh ảnh hưởng ngày càng tăng của các nhóm Nhà nước Hồi giáo tại Syria đang đe dọa an ninh quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ.   

“Sự xuất hiện của các tay súng hồi giáo cực đoan tại khu vực, chỉ cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ- Syria chỉ hơn 30km là một mối nguy cơ hiện hữu đối với an ninh quốc gia. Đây cũng là khu vực đặt lăng mộ Suleyman Shah - ông của Osman I, người sáng lập triều đại Ottoman. Đây là một phần lãnh thổ không thể chia cắt của Thổ Nhĩ Kỳ và chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ nó. Nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không ngần ngại thực hiện những bước đi cần thiết để thể hiện trách nhiệm của mình”, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Ismet Yilmaz nói.

Theo Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, mục tiêu của sứ mệnh là hạn chế tối đa tác động của các cuộc xung đột tại các khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi giành quyền kiểm soát hàng trăm ngôi làng quanh thị trấn Kobani của Syria những tuần qua, các tay súng nhóm Nhà nước Hồi giáo hiện chỉ còn cách thành phố người Kurd sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ này chỉ vài km.

Tại nước láng giềng Iraq, nhóm Nhà nước Hồi giáo cũng đang ngày càng mở rộng hoạt động. Ngày 2/10, nhóm nổi dậy này đã gần như giành hoàn toàn quyền kiểm soát thành phố Hit, thuộc tỉnh Anbar, miền Tây Iraq. Chính vì thế, quyết định của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ được xem là sẽ tiếp thêm sức mạnh cho liên quân quốc tế trong cuộc chiến này, nhất là khi Thổ Nhĩ Kỳ có vị trị chiến lược quan trọng, với hơn 1.000km biên giới chung với Iraq và Syria.

Tuy nhiên, văn kiện được thông qua tại Quốc hội không đồng nghĩa với một hành động quân sự ngay lập tức mà có một sự mở rộng không hề nhỏ so với dự thảo ban đầu. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ vừa có thể tấn công các tay súng người Kurd tại miền Bắc Iraq, lại vừa có thể tiến hành các hành động tự vệ chống lại những mối nguy cơ có thể xảy ra từ các lực lượng trung thành với Tổng thống Syria al-Assad.

Điều này một lần nữa cho thấy sự lưỡng lự của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ khi quyết định tham gia liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu. Bởi Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại, một hành động quân sự tại Syria sẽ chỉ càng tạo cơ hội gia tăng sức mạnh cho lực lượng người Kurd, chỉ vừa mới đồng ý tham gia các cuộc đàm phán hòa bình khó khăn sau gần 30 năm đối đầu với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Lực lượng nổi dậy người Kurd mới đây cảnh báo sẽ chấm dứt đàm phán hòa bình với Chính phủ, nếu thị trấn Cobani của người Kurd tại Syria giáp với biên giới Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào tay nhóm Nhà nước Hồi giáo.

Theo các nhà phân tích, không có gì ngạc nhiên khi người Kurd tin tưởng rằng sau trận chiến này, giấc mơ độc lập của họ sẽ trở nên hiện thực hơn. Trên thực tế, trong cuộc khủng hoảng an ninh này, khu vực người Kurd tại Iraq đã được Mỹ và nhiều nước phương Tây nhìn nhận và đã tiếp tế khí tài, vũ khí cho họ để đủ sức chống nhóm Nhà nước Hồi giáo.

Đây thực sự là mối lo ngại của chính quyền Iraq và những nước lân cận như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran hay Syria. Sau trận chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo, vấn đề người Kurd hoàn toàn có nguy cơ trở thành một chuyện nóng khác của khu vực, thậm chí đe dọa bản đồ địa chính trị của khu vực Trung Đông, vốn đã nhiều bất ổn hiện nay./.