TheoSputnik News, nhận định trên được cựu quan chức CIA Philip Giraldi, người hiện là Giám đốc Điều hành Hội đồng Lợi ích Quốc gia (Mỹ) đưa ra ngày 13/12.

erdogan_dmpw.jpg
 Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan. Ảnh AFP

Theo đó, nếu người Kurd tự đứng ra thành lập một nhà nước riêng thì nhà nước này có thể chiếm tới 30% diện tích của Thổ Nhĩ Kỳ và điều này sẽ trở thành cơn ác mộng đối với ông Erdogan. Chính vì thế, quan điểm chính trị của ông Erdogan cần được nhìn nhận từ khía cạnh này.

Theo ông Giraldi, vụ tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ cường kích Su-24 đang không kích IS ở khu vực biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ là một hành động khiêu khích được giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đạo diễn.

“Tuy nhiên, họ không ngờ rằng NATO không bảo vệ ông Erdogan và Nga lại phản ứng quyết liệt và mạnh mẽ như vậy. Giờ thì ông Erdogan đang tìm đường lùi. Ông ấy nói rằng ông ấy không muốn chuyện này xảy ra nhưng nó đã xảy ra vì ông ấy muốn thế”, ông Giraldi nhấn mạnh.

Cựu quan chức CIA cũng lý giải tại sao Mỹ “nhắm mắt làm ngơ” khi Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi lợi ích riêng ở Syria trong đó có việc ủng hộ những kẻ khủng bố.

“Thổ Nhĩ Kỳ đẩy Mỹ vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Chính sách của Mỹ tại Syria sẽ không thể thực hiện nếu không có Thổ Nhĩ Kyd. Mỹ cần căn cứ của nước này để tiến hành không kích ở Syria”, ông Giraldi nói.

Ông Giraldi cũng chỉ ra rằng cho đến nay Washington vẫn chưa làm được gì để cải thiện tình hình.

“Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hành xử chuẩn mực. Ông ấy biết chắc rằng chìa khóa giải quyết cuộc xung đột ở Syria là ủng hộ Chính phủ các nước trong khu vực như Syria và Iraq”, ông Giraldi nói.

Cựu quan chức CIA này cũng xác nhận cáo buộc gần đân rằng gia đình Erdogan, đặc biệt là con trai của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Bilal có dính líu đến việc buôn bán dầu lậu với IS.

“Cáo buộc này là chính xác. Điều này không có gì là bí mật nữa. Mọi người đều đã chứng kiến cảnh đoàn xe chở dầu từ Syria sang Thổ Nhĩ Kỳ và tiền mua bán dầu lậu được trao tay.

Điều này đã từng được Thổ Nhĩ Kỳ làm khi Iran chịu lệnh trừng phạt. Thổ Nhĩ Kỳ mua dầu lậu của Iran và hoạt động này đều chịu sự kiểm soát của Bilal”, ông Giraldi khẳng định.

Theo ông Giraldi, Mỹ không có ý định ngăn chặn việc buôn bán dầu lậu của gia đình Erdogan vì nước này không muốn gây căng thẳng trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ./.