Động thái được xem là một phần trong nỗ lực cải thiện mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel sau nhiều năm căng thẳng, đồng thời cũng là bước đi của Thổ Nhĩ Kỳ làm hài lòng chính quyền Mỹ mới của Tổng thống đắc cử Joe Biden.

Việc bổ nhiệm ông Ulutas làm đại sứ mới tại Israel diễn ra sau khi một số quốc gia Hồi giáo Arab là Bahrain, Marốc, Sudan và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) – bình thường hóa quan hệ với Israel.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định, những thành quả này đã được tạo ra là nhờ nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump: “Tôi muốn cảm ơn Tổng thống Trump vì những nỗ lực phi thường của ông trong việc mang lại hòa bình cho Israel và các quốc gia Trung Đông. Người dân Israel và đất nước này sẽ mãi mãi mang ơn ông vì những nỗ lực tuyệt vời của ông dành cho Israel”.

Tuy nhiên, hãng tin Al Jazeera của Qatar dẫn lời giới phân tích khu vực lại cho rằng khác với các nước Arab, việc quốc gia Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ cải thiện quan hệ với Israel có thể là bước đi lấy lòng chính quyền Mỹ mới của Tổng thống đắc cử Joe Biden, nhằm giúp Thổ Nhĩ Kỳ có thể né tránh các biện pháp trừng phạt từ chính quyền mới của Mỹ liên quan đến nhiều vấn đề như mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga, tạo căng thẳng với các nước Liên minh châu Âu,….

Ngoài ra, việc cải thiện quan hệ cũng là điều Thổ Nhĩ Kỳ và Israel cần làm hiện nay, phục vụ lợi ích của cả 2 nước. Đây còn có thể là bước đi chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện quan điểm đứng về phía nhiều quốc gia Arab đang mong muốn bình thường hóa quan hệ với Israel; cũng như có thể còn lôi kéo Israel và Ai Cập từ bỏ chính sách ủng hộ Hy lạp trong tranh chấp trên biển với nước này.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, việc cải thiện quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel sẽ không thể diễn ra quá nhanh, do những khác biệt sâu sắc trong vấn đề Palestine. Dù tân đại sứ của Thổ Nhĩ Kỳ tại Israel từng theo học tiếng Do Thái và chính trị Trung Đông tại Đại học Hebrew, song ông là người thân cận với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và có quan điểm ủng hộ sự nghiệp giải phóng của người Palestine.

Hiện chưa rõ, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tới Israelkhi nào và liệu Israel có cử Đại sứ tới Thổ Nhĩ Kỳ một cách đối ứng hay không?

Trước đó, năm 2010, Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel sau khi 10 nhà hoạt động Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ người Palestine thiệt mạng trong một cuộc đối đầu với lính biệt kích Israel trên con tàu Mavi Marmara nhằm phá vỡ sự phong tỏa kéo dài nhiều năm của hải quân Israel đối với dải Gaza.

Vào năm 2016, hai nước khôi phục mối quan hệ 6 năm rạn nứt ngoại giao. Tuy nhiên, tháng 5 năm 2018, một lần nữa mối quan hệ giữa hai nước xấu đi sau khi Mỹ dời đại sứ quán từ Tel Aviv về Jerusalem, với hàm ý xem Jerusalem là thủ đô đích thực của Israel. Thổ Nhĩ Kỳ lại rút đặc phái viên về nước và trục xuất đại sứ Israel về.

Tại thời điểm đó, lãnh đạo 2 nước Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đã có những cuộc khẩu chiến gay gắt, với những ngôn từ “miệt thị” lẫn nhau. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan từng gọi Thủ tướng Israel Netanyahu là "kẻ khủng bố", với những chính sách cứng rắn với dải Gaza; trong khi lãnh đạo Israel đã lên án những bài giảng về đạo đức giả của ông Erdogan và gọi ông là kẻ ném bom nhằm vào những người dân thường vô tội – ám chỉ những chiến dịch quân sự nhằm vào người Kurd tại Trung Đông./.