Việc trả tự do cho phi công Ấn Độ được cho là một "cử chỉ hòa bình" của Pakistan nhằm hạ nhiệt căng thẳng gia tăng với nước láng giềng, sau khi hai bên có những hành động quân sự đáp trả lẫn nhau tại khu vực tranh chấp Kashmir. Tuy nhiên giới chuyên gia phân tích quốc tế cho rằng, Pakistan cũng phải nỗ lực hơn nữa trong cuộc chiến chống khủng bố- một trong những nguyên nhân khiến hai nước láng giềng đứng trên bờ vực chiến tranh nhiều lần trong hai thập kỷ qua.

2_zmbk.jpg
Phi công Abhinandan Varthaman lúc chuẩn bị được trả tự do. Ảnh: Reuters

Phi công Abhinandan Varthaman bị lực lượng Pakistan bắt giữ ngày 27/2 đã được trao trả cho giới chức Ấn Độ tại cửa khẩu biên giới Wagah. Trước đó, Thủ tướng Pakistan Imran Khan tuyên bố nước này sẽ trao trả viên phi công Ấn Độ như một "cử chỉ hòa bình" với quốc gia láng giềng. Tuy nhiên, ông Khan nhấn mạnh, Pakistan sẽ buộc phải đáp trả mạnh mẽ đối với bất kỳ hành động nào của Ấn Độ trong tương lai.

4 sân bay Pakistan ngày 1/3 cũng bắt đầu hoạt động một phần và sẽ nối lại các hoạt động thương mại đầy đủ vào đầu tuần tới. Những sân bay này bị đóng cửa khi căng thẳng quân sự với Ấn Độ gia tăng đầu tuần này. 

Quan hệ giữa hai nước láng giềng Nam Á xấu đi nhanh chóng kể từ sau vụ đánh bom đẫm máu ở vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát hôm 14/2 làm ít nhất 40 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Pakistan và Ấn Độ đã đưa ra các biện pháp trả đũa lẫn nhau như cấm  trình chiếu các bộ phim của Ấn Độ tại các rạp chiếu phim của Pakistan, hay đóng cửa khẩu biên giới khiến các hoạt động thương mại đình trệ.

Một lái xe đang đợi được lưu thông tại khu vực biên giới hai nước chia sẻ: “Các hoạt động giao dịch thương mại bị đóng cửa và các xe ô tô không qua được, mọi người bị mắc kẹt ở đây. Hàng hóa bị gửi trả lại và điều nguy hiểm là đạn pháo vẫn tiếp diễn trong khu vực”.

Với quyết định trao trả phi công của Pakistan được cho là có thể hạ nhiệt tức thời vụ việc vốn làm quốc tế lo ngại trong những ngày qua. Tuy nhiên giới quan sát cảnh báo, xung đột Pakistan và Ấn Độ có thể bùng phát trở lại bất cứ khi nào. Mặc dù chính phủ Pakistan luôn phủ nhận cáo buộc hỗ trợ cho các nhóm khủng bố, nhưng những nỗ lực trấn áp khủng bố tại quốc gia Nam Á này thời gian qua được cho là chưa đạt được hiệu quả. Nhiều nhóm vẫn hoạt động công khai bất chấp lệnh cấm chính thức và thường lên tiếng nhận thực hiện về các vụ tấn công tại Ấn Độ.

Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj ngày 1/3 cũng kêu gọi "những nước liên quan" chấm dứt các hành vi hậu thuẫn và cung cấp nơi trú ẩn cho những kẻ khủng bố. “Nếu muốn cứu nhân loại, chúng ta phải nói với các quốc gia hỗ trợ và cung cấp nơi trú ẩn cho những kẻ khủng bố rằng, hãy phá hủy cơ sở hạ tầng của các trại khủng bố và ngừng cung cấp tài chính, nơi trú ẩn cho các tổ chức khủng bố.”

Vụ việc mới nhất cũng cho thấy vấn đề gây nhức nhối bấy lâu trong quan hệ song phương là tranh chấp chủ quyền tại khu vực Kashmir vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột. Bất đồng chưa được giải quyết này có thể kéo hai quốc gia vào cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân để chứng tỏ sức mạnh quân sự. Trong khi đó, kịch bản hai nước có vũ khí hạt nhân xung đột quân sự với nhau luôn là cơn ác mộng đối với cả thế giới, bởi không ai dám loại trừ khả năng cả vũ khí hủy diệt được sử dụng./.