Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa hôm 30/10 đã nhấn mạnh rằng việc Washington theo dõi các cuộc gọi điện thoại và mạng lưới thông tin liên lạc từ Đại sứ quán Mỹ tại Jakarta là không thể chấp nhận được và chắc chắn không nằm trong tinh thần quan hệ hữu nghị giữa 2 nước.

Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết họ đang chờ một lời giải thích rõ ràng từ phía Mỹ về những thông tin mới được tiết lộ trên.
Phản ứng của Indonesia bắt nguồn khi các tờ báo ở Australia đăng các thông tin do cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden tiết lộ nói rằng, tình báo Australia - thông qua các Đại sứ quán ở thủ đô nhiều nước châu Á hợp tác với Mỹ theo dõi các nước châu Á-Thái Bình Dương.
snowden_copy.jpg
Những thông tin do Snowden cung cấp vẫn khiến Mỹ phải "đau đầu"  (Ảnh AP)

Cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Ahmad Zahid Hamidi cho biết sẽ xem xét những cáo buộc do Snowden tố giác rằng Mỹ đang vận hành một trạm giám sát tại Đại sứ quán Mỹ ở Kuala Lumpur để nghe lén điện thoại và theo dõi mạng lưới thông tin liên lạc.

Trao đổi với báo giới, ông Hamidi nói rằng ông đã xem vấn đề một cách nghiêm túc và Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu báo cáo này. Cơ quan này cũng sẽ làm việc với Bộ Ngoại giao để xem nếu có bất kỳ hoạt động gián điệp tại đây để có những hành động thích hợp.

Trung Quốc, mặc dù không cáo buộc Mỹ nhưng tuyên bố sẽ tăng cường an ninh thông tin sau khi Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) bị cáo buộc thu thập dữ liệu hàng triệu cuộc điện thoại ở châu Âu và nghe trộm điện thoại của lãnh đạo các quốc gia đồng minh của Mỹ.

Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nói: “Trung Quốc rất chú ý tới các cáo buộc này. Trung Quốc lo ngại trước các thông tin về tình trạng nghe trộm và sẽ theo dõi tình hình sát sao. Chúng tôi sẽ có những bước đi cần thiết để đảm bảo an toàn cho thông tin quốc gia”.

Trong phạm vi châu Âu, hôm qua, giới chức tình báo cấp cao của Ðức và các đồng nghiệp an ninh Mỹ đã nhóm họp tại thủ đô Washington để hạ nhiệt mối quan hệ căng thẳng giữa hai đồng minh, sau khi có những tin tức được tiết lộ nói rằng các cơ quan an ninh và tình báo Mỹ đã chặn thu và nghe lén điện thoại di động của hàng chục nhà lãnh đạo quốc gia, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy hôm 30/10 cũng tuyên bố, người đứng đầu các cơ quan tình báo nước này sẽ phát biểu trước Quốc hội về những thông tin liên quan việc Mỹ tiến hành hoạt động nghe lén điện thoại ở Châu Âu; nhấn mạnh hoạt động gián điệp trên nếu có thực là điều "không phù hợp và không thể chấp nhận được giữa những người bạn và đối tác".

Trong lúc đó, một phái đoàn của Nghị viện châu Âu gặp gỡ các quan chức Nhà Trắng để nói về những tiết lộ gây chấn động của Snowden. Cụ thể, phái đoàn này gặp ông Karen Donfried - Giám đốc cấp cao phụ trách các vấn đề châu Âu của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ  để thảo luận về tác động của chương trình do thám đối với công dân  Liên minh châu Âu. Ngoài ra, phái đoàn này cũng có một loạt các cuộc gặp với đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ thương mại Mỹ, để thảo luận vệ việc này.

Ông Claude Moraes, Thành viên Nghị viện châu Âu (MEP) -Trưởng phái đoàn  cho biết: “Tôi nghĩ rằng Mỹ có mối quan tâm mạnh mẽ  trong việc bảo đảm an ninh cho Mỹ và châu Âu từ các mối đe dọa khủng bố. Những gì chúng tôi muốn làm đó là yêu cầu được đảm bảo sự cân bằng giữa an ninh và quyền riêng tư. Chúng tôi đến đây là để đòi hỏi quyền lợi đó”.

Ngoài việc bày tỏ phản đối, nhiều nước cũng đã bắt đầu tiến hành một số biện pháp đề phòng việc bị nghe lén. Theo đó, Thủ tướng Bỉ Elio Di Rupo đã ra chỉ thị yêu cầu tất cả các bộ trưởng phải để lại điện thoại di động trong phòng riêng biệt khi nội các thảo luận các vấn đề cơ mật.

Ngoài Bỉ, một số quốc gia khác ở châu Âu cũng đưa ra quy định mới về sử dụng điện thoại đối với các quan chức. Theo đó, tất cả các quan chức cấp cao Pháp và Hà Lan buộc phải chuyển sang dùng điện thoại có hệ thống mã hóa thông tin, trong khi Đức thảo luận xây dựng phần mềm bảo vệ trên máy điện thoại di động của các quan chức giữ những chức vụ quan trọng.

Đây được xem là những biện pháp ứng phó trước mắt của chính phủ các nước châu Âu trong bối cảnh có nhiều nguồn tin cho biết Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã theo dõi và nghe lén hàng triệu cuộc đàm thoại của công dân cũng như các nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu, khiến nhiều nước trên thế giới phản đối.    

Ở cấp độ khu vực, Ủy ban châu Âu (EC) đang xúc tiến kế hoạch bảo vệ thông tin cá nhân cho tất cả các công dân Liên minh châu Âu. Trong khi đó, Liên minh châu Âu dự kiến sẽ tiến hành thảo luận với Mỹ về bộ luật không do thám trên lãnh thổ của nhau vào tháng tới./.