Điều này nhen nhóm những tia sáng hòa bình đầu tiên trên bán đảo Triều Tiên sau một thời gian dài luôn trong tình trạng quá nóng.

han_quoc_trieu_tien_pmgr.jpg
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: The Sun và Famous Biographies.

Trước đó, ngày 1/1, trong thông điệp nhân dịp Năm mới, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã bất ngờ đưa ra lời kêu gọi cải thiện quan hệ liên Triều, đồng thời đề cập khả năng cử đoàn tham dự Thế vận hội mùa đông sắp tới tại Hàn Quốc.

Phát biểu tại cuộc họp báo sáng nay ở thủ đô Seoul, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung Gyon một lần nữa nhắc lại thiện chí của nước này muốn tổ chức các cuộc thảo luận với Triều Tiên vào bất kỳ thời gian, địa điểm nào, cũng như dưới bất kỳ hình thức nào: “Chính phủ Hàn Quốc đề xuất tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao với Triều Tiên vào ngày 1/9 tới tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm để thảo luận về sự tham gia của Triều Tiên tại Thế vận hội mùa đông Pyeongchang sắp tới. Chúng tôi mong muốn Hàn Quốc và Triều Tiên có thể ngồi thảo luận trực tiếp, mặt đối mặt về sự tham gia của Triều Tiên tại Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang sắp tới, cũng như những vấn đề quan tâm khác nhằm cải thiện mối quan hệ liên Triều.”

Cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) chỉ kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến. Chính vì thế, về mặt kỹ thuật, hai nước vẫn đang trong tình trạng chiến tranh và đây cũng là một trong những lý do khiến bán đảo Triều Tiên luôn trong tình trạng quá nóng. Các cuộc đàm phán song phương gần đây nhất giữa Hàn Quốc và Triều Tiên là vào năm 2015.

Phát biểu tại cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng diễn ra trước đó cùng ngày, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, vốn luôn ủng hộ đối thoại với Triều Tiên cũng ngay lập tức hoan nghênh những đề xuất từ phía Triều Tiên, coi đây như cơ hội để khôi phục đối thoại.

Tuy nhiên, ông Moon Jae-in cũng nhấn mạnh, việc cải thiện các mối quan hệ song phương cần phải đi kèm với những biện pháp hướng tới phi hạt nhân hóa: “Việc cải thiện các mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên không thể tách rời khỏi việc giải quyết những vấn đề liên quan chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Vì thế, Bộ Ngoại giao cần phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan và ủy ban quốc tế về vấn đề này. Bộ Thống nhất và Bộ Nông nghiệp, Thể thao và Du lịch cần nhanh chóng đưa ra các biện pháp nhằm khôi phục các cuộc đàm phán liên Triều và hỗ trợ Triều Tiên để họ có thể tham gia Thế vận hội Pyeongchang.”

Cách đây vài tháng, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng từng đưa ra đề xuất đối thoại, song thông qua Hội Chữ thập đỏ Quốc tế và Quân đội, nhưng Triều Tiên khi đó đã không đưa ra lời hồi đáp.

Thời gian qua, Triều Tiên đã làm gia tăng lo ngại của cộng đồng quốc tế về chương trình vũ khí và hạt nhân của nước này khi liên tiếp tiến hành các vụ phóng thử tên lửa và mới đây nhất là lời đe dọa hồi tháng 9/2017 về một vụ thử hạt nhân lần thứ 6 mạnh nhất từ trước tới nay.

Trong khi Triều Tiên nhất mực bảo vệ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của mình là nhằm đối phó với sự thù địch của Mỹ, thì Hàn Quốc và Mỹ cũng kiên quyết cho rằng đây chỉ là vỏ bọc cho tham vọng hạt nhân của nước này và không ngừng đưa ra những cảnh báo. Dù phải đối mặt với một loạt lệnh trừng phạt không chỉ của Liên Hợp Quốc, song tới nay Triều Tiên vẫn không hề có ý định sẽ xem xét lại các tham vọng quân sự của mình.

Thông điệp Năm mới của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là những phát biểu đầu tiên thể hiện mong muốn của nước này tham gia Thế vận hội mùa Đông dự kiến diễn ra từ ngày 9-25/2 tới tại Hàn Quốc. Theo Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, đây là một câu trả lời tích cực cho đề xuất của nước này biến Thế vận hội Pyeongchang thành một “dịp cách mạng” cho hòa bình.

Các trận đấu chính được tổ chức trong khuôn khổ sự kiện diễn ra cách khu vực biên giới giữa hai nước chỉ khoảng 80km. Những tháng vừa qua, căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên đã  phần nào phủ bóng đen lên một trong những sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này. Trong bài phát biểu ngày 1/1, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho rằng, Thế vận hội Pyeongchang có thể tạo ra cơ hội để đại diện hai nước có thể gặp nhau trong tương lai gần.

Cả Hàn Quốc và các nhà tổ chức đều muốn Triều Tiên tham dự sự kiện. Dù hiện nay thời điểm đăng ký đã hết, song các vận động viên tài năng của Triều Tiên vẫn có thể có mặt thông qua Ủy ban Olympic Quốc tế. Sự tham gia của Triều Tiên vào các sự kiện thể thao tại Hàn Quốc vốn lâu nay phụ thuộc vào tình hình chính trị và quân sự trên bán đảo Triều Tiên. Và trên thực tế, nước này từng tẩy chay Thế vận hội Mùa hè tại Hàn Quốc năm 1988, song lại tham dự Thế vận hội châu Á 2014 tại Incheon, gần thủ đô Seoul./.