Cộng đồng thế giới tiếp tục có những quan điểm trái chiều sau khi Liên Hợp Quốc công bố báo cáo khẳng định vũ khí hóa học đã được sử dụng ở Syria trong cuộc tấn công kinh hoàng trung tuần tháng Tám vừa qua.

syria1.jpg
Hy vọng giải pháp ngoại giao sẽ tạo dựng nền hòa bình cho Syria (Ảnh: AFP)

Trong một tuyên bố, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice ngày 16/9 đã bày tỏ hoan nghênh báo cáo của Liên Hợp Quốc, coi đây như bằng chứng củng cố cho những đánh giá của Mỹ trước đây về việc chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học.

Bà Rice cũng cảnh báo: Mỹ vẫn sẽ sẵn sàng hành động nếu các giải pháp ngoại giao về Syria thất bại. Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Canada John Baird cũng quy kết trách nhiệm cho chính phủ Syria.

Ông Baird kêu gọi một giải pháp chính trị cho cuộc cung đột tại Syria song khẳng định Canada không có ý định tấn công quân sự nhằm vào Syria cũng như không gửi hỗ trợ quân sự cho lực lượng đối lập Syria.

Trái với phản ứng của Mỹ và một số nước phương Tây, Nga đã lên tiếng chỉ trích thái độ quy kết vội vàng đối với chính phủ Syria song lại ủng hộ lực lượng đối lập Syria từ các nước phương Tây, cho rằng tất cả các thực tế và khúc mắc về tình hình Syria cần phải được giải quyết một cách nghiêm túc và chuyên nghiệp.

Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin ngày 16/9 đồng thời kêu gọi các bên nghiên cứu báo cáo một cách cẩn thận.

Đại sứ Trung Quốc Lưu Kết Nhất cùng ngày đã lên tiếng chỉ trích việc sử dụng vũ khí hóa học song kêu gọi cộng đồng quốc tế cần tăng cường nỗ lực tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Syria.

Ông Lưu Kết Nhất cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế mở đường cho việc phá hủy vũ khí hóa học và việc thúc đẩy hội nghị hòa bình Geneva về Syria.

Trước đó, nhóm chuyên gia Liên Hợp Quốc ngày 16/9 đã trình lên Tổng Thư ký Ban Ki-moon bản báo cáo về quá trình điều tra vụ tấn công sử dụng vũ khí hóa học tại Syria hôm 21/8.

Theo kết luận của bản báo cáo, các điều tra viên đã tìm thấy “các bằng chứng rõ ràng và thuyết phục” giúp khẳng định vũ khí hóa học đã được sử dụng trong vụ tấn công ở khu vực Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus.

Cũng theo báo cáo, loại vũ khí nguy hiểm này đã được sử dụng nhằm vào dân thường, trong đó có cả trẻ em, trên một phạm vi tương đối lớn.

Tuy nhiên, xác nhận chính thức đầu tiên của Liên Hợp Quốc về việc vũ khí hóa học đã được sử dụng trong cuộc nội chiến kéo dài 30 tháng tại quốc gia Trung Đông đã không nêu đích danh bên nào tại Syria đứng đằng sau vụ tấn công./.