Sáng 17/9 (theo giờ Việt Nam), Tổng Thư ký Ban Ki-moon đã công bố báo cáo về quá trình điều tra vụ tấn công sử dụng vũ khí hóa học tại Syria hôm 21/8.

Theo kết luận của các thanh sát viên, vũ khí hóa học đã được sử dụng trong vụ tấn công tại khu vực Ghouta, thuộc ngoại ô thủ đô Damacus.

dieu-tra-lhq.jpg
Nhóm điều tra của LHQ tại Zamalka, Syria ngày 29/8 (Ảnh: Reuters)

Báo cáo nhấn mạnh, vũ khí hóa học đã được sử dụng trên một phạm vi tương đối lớn, nhằm vào dân thường, trong đó có cả trẻ em. Dựa trên những mẫu vật phẩm thu thập từ hiện trường, các chuyên gia Liên Hợp Quốc cho biết khí độc sarin đã được nạp vào đầu đạn tên lửa đất đối đất và bắn vào khu vực Ghouta, khiến khoảng 1.400 người thiệt mạng. Đây là sự xác nhận chính thức đầu tiên của Liên Hợp Quốc về việc vũ khí hóa học đã được sử dụng tại Syria. Tuy nhiên, bản báo cáo không nêu đích danh thủ phạm là quân đội chính phủ Syria hay lực lượng đối lập.

Tổng thư ký Ban Ki-moon lên án vụ tấn công hóa học ở Syria là “tội ác chiến tranh” và kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cân nhắc những biện pháp để bảo đảm rằng chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ tuân thủ kế hoạch của Nga và Mỹ nhằm tiêu hủy kho vũ khí hóa học của nước này.

“Sau hai năm rưỡi thảm kịch, giờ là lúc Hội đồng Bảo an cần chứng tỏ vai trò lãnh đạo và thực thi các trách nhiệm đạo đức và chính trị của mình. Việc sử dụng các loại vũ khí hóa học bởi bất kỳ ai và ở bất kỳ nơi nào đều là một tội ác”, ông Ban Ki-moon nhấn mạnh.

Ông Ban Ki-moon cũng cho rằng cộng đồng quốc tế cần có trách nhiệm đảm bảo rằng các loại vũ khí hóa học không bao giờ trở thành công cụ chiến tranh một lần nữa.

Theo các nhà phân tích, bản báo cáo của Liên Hợp Quốc được đưa ra vào một thời điểm khá muộn và không được chờ đợi như khi Liên Hợp Quốc bắt đầu triển khai nhóm điều tra tới khu vực. Bởi trên thực tế hiện nay hầu như tất cả đều chắc chắn rằng vũ khí hóa học đã được sử dụng trong vụ tấn công ngày 21/8 vừa qua. Hơn nữa, Nga và Mỹ cũng đã đạt được thỏa thuận về tiêu hủy các kho vũ khí hóa học của Syria từ nay đến giữa năm sau.

Ngay sau khi báo cáo được trình lên Tổng Thư ký Ban Ki-moon, đại sứ 3 nước Mỹ, Anh và Pháp đều cho rằng bản báo cáo đã chứng minh Chính phủ Syria phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công. Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin tuyên bố hiện chưa có bằng chứng cụ thể để khẳng định quân chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học, và do vậy không nên vội vàng đưa ra kết luận trước khi các chuyên gia đánh giá chính xác.

Các yếu tố vật chất, hóa học và y tế mà các chuyên gia thu thập được cho thấy, những quả rocket đất đối đất chứa chất độc sarin đã được sử dụng trong vụ tấn công tại Ghouta, gần thủ đô Damascus ngày 21/8 vừa qua.

Tuy nhiên, đúng như dự báo trước đó, bản báo cáo không trực tiếp quy trách nhiệm vụ tấn công cho phe đối lập hay quân đội chính phủ Syria, vì điều này không nằm trong sứ mệnh của các nhà điều tra./.