Kể từ khi xuất hiện vào những năm 1980, tính chung trên toàn thế giới đã có 60 triệu người nhiễm HIV/AIDS, hơn 30 triệu người tử vong vì căn bệnh này và hàng chục triệu người khác đang nhiễm bệnh nằm chờ chết. Đến nay, HIV/AIDS đã trở thành một trong những đại dịch bệnh nguy hiểm nhất trong lịch sử loài người. Năm nay, thế giới tiếp tục kỷ niệm Ngày Thế giới Phòng, chống HIV/AIDS năm 2013, với chủ đề “Hướng tới mục tiêu ba không: không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS”. 

phong-chong.jpg
Thắp nến trong một hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại Ấn Độ (Ảnh Reuters)
Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, đến nay, thế giới đã đạt được những bước tiến quan trọng trong hoạt động ngăn ngừa và điều trị lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2011, chỉ có khoảng 850.000 ca lây nhiễm mới ở trẻ em tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Tuy nhiên,
 Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc cảnh báo tình trạng gia tăng các ca lây nhiễm HIV/AIDS ở người trưởng thành. Theo đó, từ năm 2005 đến năm 2012, số người trưởng thành chết liên quan đến AIDS đã tăng 50% từ 71.000 người lên 110.000 người. Riêng trong năm 2012 có xấp xỉ hơn 2 triệu người trưởng thành ở độ tuổi từ 10 đến 19, đang phải sống chung với HIV.

Theo ông Anthony Lake, Tổng Giám đốc Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, trong thời gian tới, thế giới cần đẩy mạnh các biện pháp ngăn ngừa tích hợp được đánh giá là có tác động lớn đối với tiến trình giảm số người nhiễm HIV/AIDS nói chung và số người trưởng thành nhiễm HIV/AIDS nói riêng. Trong đó, có các giải pháp tích hợp như: phát bao cao su, điều trị bằng thuốc ARV, ngăn ngừa lây nhiễm từ mẹ sang con, cắt bao quy đầu tự nguyện ở nam giới, truyền thông nhằm thay đổi nhận thức về căn bệnh HIV/AIDS và các giải pháp trọng điểm tập trung vào các nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao...

Cuộc chiến chống AIDS không chỉ là cuộc chiến của riêng mỗi cá nhân mà nó là cuộc chiến của cả cộng đồng. Thúc đẩy đồng thời các giải pháp phòng chống HIV/AIDS như các giải pháp đột phá về khoa học trong việc điều trị bệnh, các chương trình y tế có trọng điểm nhằm giúp bệnh nhân HIV có thể kéo dài tuổi thọ cũng như đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng chống HIV/AIDS hơn nữa được xem là những giải pháp giúp thế giới hướng tới mục tiêu ba không trong hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Đây cũng chính là thông điệp được Giám đốc điều phối Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS, ông Michel Sidibe đưa ra trong thông điệp nhân ngày này. Ông Sidibe nói: “Tôi nghĩ là sẽ đến lúc chúng ta có thể tuyên bố về một thế hệ không nhiễm AIDS trong tương lai. Việc chấm dứt căn bệnh có nghĩa là chúng ta sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Nó cũng đồng nghĩa với việc sẽ không có người phải chết vì AIDS. Tất cả mọi người đều có thể sống trong hy vọng. Chấm dứt AIDS cũng có nghĩa là chúng ta ăn mừng sinh nhật, thay vì phải tổ chức lễ tang. Tuy nhiên hiện việc đối xử, kỳ thị với người bệnh vẫn là những cản trở lớn đối với hoạt động phòng chống HIV của chúng ta”.

Cùng với các hoạt động của Liên Hợp Quốc, nhiều nước trên thế giới hôm nay cũng đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm ngày này.

Tại Ấn Độ, nhân ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS, Tổ chức phi chính phủ tại bang Tamil Nadu đã tổ chức một chương trình nâng cao nhận thức của cộng đồng về căn bệnh thế kỷ, với sự tham gia của sinh viên nhiều trường đại học trên toàn bang. Lấy chủ đề hướng tới mục tiêu ba không: không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS”, hôm qua khoảng 100 sinh viên cùng với các đoàn xe mô tô đã tuần hành trên nhiều đường phố để cổ động cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Ông Hariharah nhà tổ chức sự kiện cho biết: “Chúng tôi mong là sau những sự kiện như thế này, sinh viên sẽ dừng đối xử phân biệt, cô lập và kỳ thị đối với các bệnh nhân HIV. Họ sẽ chấp nhận con người thực của người bệnh. Mục tiêu xa hơn của chúng tôi là tiến tới không có các ca lây nhiễm mới HIV vào năm 2015.”

Theo Tổ chức kiểm soát AIDS quốc gia của Ấn Độ, sau nhiều nỗ lực đối phó với HIV/AIDS, đến nay, số các ca lây nhiễm mới tại Ấn Độ đã giảm 57%. Vào năm 2000,  quốc gia đông dân thứ 2 trên thế giới, với 1,2 tỷ dân này từng được xem là quốc gia “ổ dịch” của căn bệnh thế kỷ và đang “ngấp nghé thế chỗ” các quốc gia vùng hạ Sahara, châu Phi về số các ca lây nhiễm mới HIV ngày một tăng.

Còn tại Trung Quốc, theo thống kê của Chính phủ nước này, tính đến ngày 30/9 năm nay đã có hơn 430.000 người Trung Quốc nhiễm HIV/AIDS. Trong đó, hoạt động tình dục không an toàn là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng các ca lây nhiễm HIV/AIDS tại Trung Quốc. Để đối phó với đại dịch, Chính phủ Trung Quốc đã cho phân bổ một nguồn quỹ đặc biệt dành riêng việc điều trị và phòng chống bệnh./.