Nhân Ngày Thế giới phòng, chống AIDS lần thứ 25 (1/12), Liên Hợp Quốc đã chúc mừng Chính phủ Việt Nam vì những thành tựu đã đạt được trong ứng phó với HIV; kêu gọi các nhà lãnh đạo Việt Nam đầu tư hiệu quả hơn cho phòng, chống HIV để đảm bảo thực hiện được các mục tiêu của quốc gia và quốc tế trong lĩnh vực này.

TS. Kristan Schoultz, Giám đốc UNAIDS Việt Nam và Chủ tọa Nhóm phối hợp chương trình về HIV của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết: Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong phòng, chống HIV. Nhưng vẫn còn nhiều thách thức lớn phải vươt qua. Điều quan trọng là Việt Nam cần tập trung các nguồn lực quý báu của quốc gia vào ba ưu tiên: đúng người, đúng chỗ và mở rộng các chương trình can thiệp có hiệu quả nhất.

tu-van-hiv.jpg
Bác sỹ Bệnh viện đa khoa Quảng Ninh đang tư vấn cho một ca nhiễm HIV (Ảnh: Lại Thìn)

Liên Hiệp Quốc cho biết, những năm gần đây, Việt Nam đã mở rộng đáng kể chương trình điều trị kháng HIV và giảm được nhiều ca nhiễm mới. Dịch HIV đã có dấu hiệu chững lại. Tuy vậy, tỷ lệ nhiễm HIV trong các nhóm nguy cơ cao tại nhiều tỉnh thành vẫn tiếp tục giữ ở mức báo động. 

Tính đến cuối năm 2012, ước tính tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam tiêm chích ma túy ở Việt Nam là 11%, nhưng ở một vài thành phố lớn có đến hơn một nửa số nam giới tiêm chích ma túy là người nhiễm HIV. Tỷ lệ nhiễm HIV trung bình trên toàn quốc trong nhóm phụ nữ bán dâm là 2,7%. 

Các bằng chứng hiện có cũng cho thấy, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới đang tăng lên, và nhóm này sẽ ngày càng lớn hơn trong tổng số người sống với HIV tại Việt Nam.

Việt Nam đã và đang tìm kiếm các cách tiếp cận mới để đưa các dịch vụ về HIV đến gần hơn với những người có nhu cầu lớn nhất, thông qua việc tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự, trong đó có người sống với HIV. Đã có những sáng kiến mới tập trung vào việc chẩn đoán và khởi đầu điều trị kháng HIV sớm hơn.

Liên Hợp Quốc khuyến khích tiếp tục mở rộng các sáng kiến này, để tối ưu hóa hiệu quả và tác động của các nguồn lực trong nước đầu tư cho phòng, chống AIDS khi các nguồn viện trợ nước ngoài đang giảm dần.

TS. BS. Takeshi Kasai, Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết: "Ứng phó quốc gia với HIV đang ở trong một giai đoạn chuyển tiếp quan trọng. Việt Nam cần mở rộng các cách tiếp cận mới và sáng tạo để tiếp tục duy trì được đà phát triển của các hoạt động phòng chống AIDS và tiến xa hơn nữa. Chúng ta biết rằng điều trị có thể dự phòng lây nhiễm HIV. Với việc thúc đẩy hơn nữa tiếp cận sớm đến chẩn đoán và điều trị kháng HIV, Việt Nam sẽ giảm được thêm nhiều hơn nữa các ca nhiễm mới và trường hợp tử vong do AIDS"./.