Đây là cảnh báo đưa ra mới đây của nhiều cơ quan Liên Hợp Quốc và các tổ chức phi chính phủ, dù trẻ em tới nay dường như vẫn ít phát triển các triệu chứng nguy hiểm và tỷ lệ tử vong vẫn thấp hơn so với các nhóm tuổi khác.

“Trẻ em mắc Covid-19 có thể ít nghiêm trọng hơn so với người lớn, song dịch bệnh đang ảnh hưởng tới chúng em theo cách này hay cách khác.” Đây là phần mở đầu trong đoạn clip: “Trẻ em nói về Covid-19” được Tổ chức Theo dõi nhân quyền công bố mới đây  nhằm cảnh báo những tác động của dịch viêm phổi cấp do virus SARS-CoV-2 đối với trẻ em.  

khau_trang_nitp_itqm.jpg
Ảnh minh họa: Shuttershock.

Theo thống kê của Tổ chức Theo dõi nhân quyền, hơn 1,5 tỷ trẻ em không thể đến trường. Những ảnh hưởng về việc làm và thu nhập do Covid-19, cũng như sự mất an toàn về kinh tế ảnh hưởng trực tiếp tới các gia đình, thậm chí có thể làm gia tăng tình trạng lao động trẻ em, lạm dụng, mang thai sớm ở thanh thiếu niên,... Trong bối cảnh số người tử vong do Covid-19 vẫn tiếp tục tăng, thì cũng có một số lượng lớn trẻ em bỗng chốc bị rơi vào cảnh mồ côi và dễ trở thành đối tượng bị bạo hành hay lạm dụng.

Dịch viêm phổi cấp do virus SARS-CoV-2 đang thách thức hệ thống y tế của tất cả các quốc gia trên thế giới, khiến trẻ em có thể không được tiêm phòng vaccine hoặc không còn khả năng tiếp cận các chăm sóc y tế thiết yếu có thể cứu mạng sống của các em.

Theo Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus, 14 chiến dịch tiêm chủng cho hơn 13 triệu người trên thế giới đã bị hoãn lại do đại dịch Covid-19.

“Covid-19 đang gây ra những thiệt hại nặng nề. Tổ chức Y tế thế giới lo ngại sâu sắc về tác động của đại dịch đối với các dịch vụ y tế khác, đặc biệt là đối với trẻ em. Trẻ em có thể có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng và tử vong vì Covid-19, song cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine. Liên minh vaccine đã ước tính rằng ít nhất 21 quốc gia thu nhập thấp và trung bình đã báo cáo tình trạng thiếu vaccine do đóng cửa biên giới và gián đoạn đi lại”, ông Ghebreyesus nói.

Đối với nhiều trẻ em, cuộc khủng hoảng Covid-19 cũng có nghĩa là các em phải tạm dừng hoặc hạn chế hoạt động học tập ở trường hay bị chậm chương trình hơn so với những em khác cùng độ tuổi. Hơn 91% trẻ em trên thế giới không được đến trường do trường học phải đóng cửa tại ít nhất 188 quốc gia. Cuộc khủng hoảng đã cho thấy sự chênh lệch về mức độ chuẩn bị của các nước trước những tình huống khẩn cấp, khả năng tiếp cận internet của trẻ em và sự sẵn sàng của các nền tảng giáo dục.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), hàng triệu trẻ em có nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng trong thời gian phong tỏa, giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19. Cơ quan Liên Hợp Quốc này cùng với các đối tác vừa đưa ra văn bản để hối thúc các chính phủ, ngành công nghệ thông tin và truyền thông, giáo viên và cha mẹ cần cảnh giác, có các biện pháp khẩn cấp để giảm thiểu những nguy cơ có thể xảy đến, đảm bảo những trải nghiệm trên mạng của trẻ em được an toàn và tích cực trong đại dịch Covid-19.

Suy thoái kinh tế toàn cầu do Covid-19, đặc biệt là tình trạng mất việc hàng loạt không chỉ làm tăng tần suất làm việc, mà cả hôn nhân trẻ em. Trên quy mô toàn cầu, ước tính khoảng 152 triệu trẻ đã là nạn nhân của tình trạng lao động trẻ em trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, trong đó 73 triệu làm những công việc nguy hiểm.

Ông Jo Becket, thuộc bộ phận quyền trẻ em của Tổ chức theo dõi nhân quyền nhấn mạnh, những mối nguy cơ do Covid-19 đối với trẻ em là vô cùng lớn. Các chính phủ phải hành động khẩn cấp để bảo vệ trẻ em trong giai đoạn đại dịch, cũng như xem xét các quyết định mà họ đưa ra hôm nay sẽ tôn trọng quyền của trẻ em như thế nào sau khi cuộc khủng hoảng kết thúc./.