1.Đại sứ Hàn Quốc Oh Joon nhấn mạnh tính cấp thiết để giải quyết vấn đề này. Tuyên bố này đã được ông Oh Joon đưa ra hôm nay tại Seoul trong bối cảnh Triều Tiên thông báo bom nhiệt hạch của mình có thể san phẳng được vùng Manhattan, New York.
Triều Tiên có thể san phẳng 1 vùng của New York bằng bom nhiệt hạch?
Đại sứ Oh Joon nhấn mạnh, Triều Tiên đã tiến hành 4 vụ thửhạt nhân, nên được xem là gần như đạt được khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân của nước này.
Cũng theo vị quan chức này, thậm chí Nga và Trung Quốc đã nhất trí với những lệnh trừng phạt mạnh mẽ của LHQ nhằm vào Triều Tiên do có sự đồng thuận rằng vấn đề hạt nhân của Triều Tiên đã đạt tới một ngưỡng đáng lo ngại nhất định.
2. Phía Nga sẵn sàng hợp tác với Mỹ giải phóng Raqqa vì đây là khu vực liên quân do Mỹ dẫn đầu đang triển khai nhiều hoạt động.
Hãng tin Nga Interfax ngày 14/3 dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Nga sẵn sàng phối hợp hành động với liên minh do Mỹ dẫn đầu ở Syria để đẩy lùi phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ra khỏi Raqqa ở Syria.
Một chốt kiểm soát của IS gần thành phố Raqqa, Syria. (Ảnh: Reuters) |
Interfax dẫn lời ông Lavrov trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Ren-TV cho biết: “Chúng tôi đã sẵn sàng phối hợp hành động với người Mỹ, vì Raqqa nằm ở phía Đông Syria. Đó là nơi tập trung chủ yếu các hoạt động quân sự của Mỹ và đồng minh”.
Ngoại trưởng Nga cũng cho biết thêm rằng: “Có lẽ đây không còn là điều gì bí mật. Mỹ đã đề nghị phân công, phân nhiệm rõ ràng: Không quân Nga nên tập trung vào việc giải phóng Palmyra trong khi liên quân do Mỹ dẫn đầu với sự hỗ trợ của Nga sẽ hợp lực giải phóng Raqqa”.
3. Sáng sớm 14/3, theo giờ địa phương, chưa đầy 24h sau vụ đánh bom đẫm máu ở thủ đô Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành một cuộc không kích vào các mục tiêu của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở miền Bắc Iraq.
Cuộc không kích được coi là hành động trả thù của Thổ Nhĩ Kỳ đối với vụ đánh bom làm 37 người chết, hàng chục người bị thương ở trung tâm thủ đô Ankara tối Chủ nhật vừa qua.
Vụ khủng bố đẫm máu ở Ankara: Người Kurd bị nghi là thủ phạm
Mặc dù chưa có tổ chức nào lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ đánh bom, nhưng cũng như các vụ đánh bom gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng thủ phạm chính là lực lượng PKK.
Phát biểu sau cuộc tấn công, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, quốc gia này không bao giờ từ bỏ quyền tự vệ. Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay 14/3 sẽ công bố tên tổ chức phải chịu trách nhiệm vụ đánh bom xe ở thủ đô Ankara khiến ít nhất 37 người thiệt mạng.
Xem thêm: Nga sẽ không dung thứ cho khủng bố sau vụ đánh bom ở Thổ Nhĩ Kỳ
4. Nhóm khủng bố Al-Qeada tại Bắc Phi (AQIM) đã lên tiếng nhận trách nhiệm gây ra vụ tấn công đẫm máu ngày 13/3 tại Bờ Biển Ngà.
Nhóm khủng bố Al-Qeada tại Bắc Phi (AQIM) đã lên tiếng nhận trách nhiệm gây ra vụ tấn công đẫm máu ngày 13/3 nhằm vào 3 khách sạn tại khu nghỉ dưỡng Grand-Bassam, phía Đông thủ đô Abidjan của Cote D'Ivoire (Bờ Biển Ngà), làm ít nhất 16 người thiệt mạng.
Al Qeada nhận trách nhiệm hàng loạt vụ đánh bom ở Iraq
Khi đi thị sát tại khu vực xảy ra vụ tấn công, Tổng thống Alassane Ouattara cho biết, 14 dân thường và 2 binh sỹ thuộc lực lượng đặc nhiệm của quân đội Bờ Biển Ngà đã thiệt mạng trong vụ tấn công. Ông cũng khẳng định, 6 kẻ khủng bố gây ra vụ việc này đều đã bị tiêu diệt.
Trước đó, nguồn tin cảnh sát cho biết, trong số những người thiệt mạng có ít nhất 4 người châu Âu. Một người phát ngôn Bộ ngoại giao Pháp đã xác nhận, có ít nhất 1 công dân Pháp thiệt mạng trong vụ này.
5.Hôm nay (14/3), tại Geneva, Thụy Sỹ, các bên ở Syria và các nước có liên quan nối lại đàm phán hòa bình cho quốc gia Trung Đông này.
Cuộc đàm phán lần này được nối lại nhờ những nỗ lực to lớn của cộng đồng quốc tế trong bối cảnh chỉ còn vài ngày nữa, xung đột Syria sẽ bước sang năm thứ 6. Tuy nhiên, bầu không khí trước thềm cuộc đàm phán không khỏi khiến dư luận lo ngại vì những khác biệt cơ bản nhất giữa các bên vẫn còn đó.
Đàm phán về tương lai Syria đang diễn ra ở Geneva Thụy Sĩ. (ảnh: AFP) |
Chướng ngại vật lớn nhất đối với đàm phán hòa bình Syria có lẽ vẫn là bất đồng về tương lai của Tổng thống al-Assad. Phát biểu trước báo giới hôm qua, ngay khi đặt chân đến Geneva, Người phát ngôn Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC - phe đối lập) Salim al-Muslat bày tỏ mong muốn rằng Tổng thống Assad sẽ không đóng vai trò gì trong chính phủ chuyến tiếp.
Giới phân tích cho rằng, chuỗi thất bại trên chiến trường hiện nay đặt phe đối lập vào tâm thế muốn khẩn trương đạt được lợi ích trên bàn đàm phán. Tuy nhiên, Trưởng đoàn đàm phán hòa bình chính phủ Syria, Đại sứ Syria tại LHQ Bashar Jaafari hôm qua (13/3) đã bác bỏ yêu cầu của phe đối lập về việc thúc đẩy đàm phán nhanh cho một lộ trình chuyển giao chính trị.
Ông cho rằng, tiến trình này nên diễn ra một cách từ từ và không có điều kiện tiên quyết nào. Theo ông, vòng hòa đàm hôm nay chỉ nên xoay quanh các vấn đề chuẩn bị.
Ngoài bất đồng lớn nhất là tương lai của Tổng thống Assad, các bên còn nhiều vấn đề có thể làm chậm tiến trình tìm kiếm một giải pháp chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 5 năm tại Syria.
6. Theo kết quả bầu cử chính thức cuộc bầu cử nghị viện cấp bang tại ba bang ở Đức, đảng Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phải đón nhận thất bại nặng nề ở hai trong ba bang.
Chính khách Đức phản đối chính sách nhập cư của Thủ tướng Merkel
Kết quả bầu cử này được xem là phép thử đối với chính sách tiếp nhận người nhập cư của Thủ tướng Đức Merkel. Kết quả bầu cử chính thức cuộc bầu cử nghị viện tại ba bang ở Đức gồm Rheinland-Pfalz , Sachsen-Anhalt và Baden-Würtemberg được công bố sáng nay (14/03) cho thấy, dù vẫn là đảng mạnh nhất tại bang Sachsen-Anhalt khi giành được 29,8% số phiếu, song đảng Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo đã để thua tại hai bang còn lại, kể cả ở đơn vị bầu cử truyền thống của đảng này tại bang Baden-Würtemberg.
Bất ngờ lớn nhất tại cuộc bầu cử ở cả ba bang này là việc một đảng nhỏ mang tên “Sự lựa chọn vì nước Đức” (AfD) mới được thành lập cách đây ba năm, với chủ trương bài ngoại và dân tộc cực đoan lại bất ngờ giành ghế ở cả ba bang.
Với việc tiếp tục giành ghế ở thêm ba 3 bang này, đảng “Sự lựa chọn vì nước Đức” đã có mặt ở nghị viện 8 bang trên toàn nước Đức và đây sẽ là tiền đề cho đảng cực hữu này tiến tới Quốc hội Đức trong cuộc tổng tuyển cử vào năm 2017./.