1. Những người tham gia cuộc "Tuần hành vì EU" tập trung tại Park Lane trước khi diễu qua quảng trường gần Tòa nhà Quốc hội cùng với hàng loạt băng rôn, khẩu hiệu, biểu ngữ bày tỏ sự tức giận cũng như nỗi thất vọng trước quyết định Brexit.
Hàng loạt băng rôn, khẩu hiệu, biểu ngữ bày tỏ sự tức giận cũng như nỗi thất vọng trước quyết định Brexit. (ảnh: WENY.com). |
Người biểu tình cho biết, họ muốn giới lãnh đạo phải có những hành động dứt khoát trong bối cảnh đất nước mất ổn định như hiện nay. Một người biểu tình nói ông ở đây vì cảm thấy đất nước đã bỏ phiếu cho một thứ chắc chắn sẽ biến thành thảm họa.
Cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý vừa qua ở Anh chỉ có 48% số phiểu ủng hộ Anh ở lại EU, 52 % đồng ý với việc Anh ra đi khỏi liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit). Nhiều người dân Anh cho rằng, cuộc trưng cầu dân ý vừa qua đã không được thực hiện "trên một sân chơi bình đẳng".
Việc hàng chục nghìn người dân Anh xuống đường biểu tình là một trong những cách người dân nước này bày tỏ chính kiến và sự bất bình của mình trước tình cảnh rối ren của đất nước sau cuộc trưng cầu dân ý vừa qua. Hình ảnh người dân Anh rầm rộ xuống đường biểu tình phản đối Brexit
Họ muốn ở lại EU và ngăn cản chính phủ kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon. "Chúng tôi muốn chính phủ phải hành động", người phát ngôn chiến dịch "Tuần hành vì EU", bà Helen Parker nói.
Bên cạnh đó, quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cảnh báo, sự bất ổn do nước Anh rời Liên minh châu Âu (gọi tắt là Brexit) có thể sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế ở Anh, châu Âu và phần còn lại của thế giới. Người phát ngôn IMF Gerry Rice cho biết, sau quyết định rời EU, Anh sẽ cần phải đàm phán về các điều khoản rút lui và xây dựng mối quan hệ mới với Liên minh châu Âu (EU). Quá trình bất ổn kéo dài này cùng với suy giảm trong niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ khiến tăng trưởng chậm lại. Anh khủng hoảng vì Brexit; Trung Quốc sẽ bác bỏ phán quyết của PCA
2. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon vừa lên án vụ tấn công đẫm máu, giết hại các con tin xảy ra ở thủ đô Dhaka, Bangladesh đồng thời bày tỏ sự cảm thông và chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân, tới chính phủ và người dân Bangladesh.
Tuyên bố của Tổng Thư ký Ban Ki-moon cũng nhấn mạnh, những kẻ thủ ác đứng đằng sau vụ tấn công cần phải được xác định và đưa ra xét xử nghiêm minh. Ông Ban Ki-moon khẳng định sự cần thiết các nỗ lực quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố.
Vụ bắt cóc con tin khiến người dân Bangladesh bàng hoàng. (Ảnh: AP). |
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng đã ra thông cáo báo chí lên án vụ tấn công khủng bố ở Bangladesh. Thông cáo nêu rõ, khủng bố là một trong những mối đe dọa an ninh và hòa bình quốc tế.
Ngày 3/7, Bộ trưởng Nội vụ Bangladesh Asaduzzaman Khan khẳng định, thủ phạm vụ tấn công tại Dhaka hôm 1/7 không phải là thành viên IS. Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Nội vụ Khan khẳng định những kẻ tấn công là các thành viên của Jamaeytul Mujahdeen Bangladesh, một tổ chức đã bị cấm hoạt động tại Bangladesh hơn một thập kỷ qua, và các đối tượng này không có liên hệ với IS. Bangladesh khẳng định thủ phạm vụ khủng bố không phải là IS
Theo Bộ trưởng Nội vụ Bangladesh, tất cả những kẻ tấn công đều là nam thanh niên trẻ, có học thức và xuất thân gia đình khá giả.
Tuyên bố này của Bộ trưởng Nội vụ Khan được đưa ra sau khi IS nhận đứng đằng sau vụ tấn công và cho đăng tải trên mạng nhiều hình ảnh các nạn nhân bị sát hại. Việt Nam lên án vụ tấn công khủng bố dã man tại Bangladesh
3. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 2/7 cho biết, khoảng 20 tay súng thuộc tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), chủ yếu là người nước ngoài, đã bị bắt vì có liên quan đến vụ đánh bom vào tuần trước ở sân bay Istanbul khiến 45 người thiệt mạng.
Nhân viên y tế hỗ trợ một người ngồi xe lăn rời khỏi sân bay Ataturk. (Ảnh: Reuters). |
Có 2 tay súng quốc tịch Nga đã được xác định là nghi phạm đánh bom tự sát của IS trong cuộc tấn công do người Chechnya chủ mưu, phương tiện truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.
“Những phát hiện mới nhất đều chỉ ra rằng tổ chức khủng bố IS là thủ phạm”, ông Erdogan nói với Reuters tại sân bay Ataturk - hiện trường vụ đánh bom đẫm máu.
Trước đó, ngày 28/6, 2 vụ nổ đã làm rung chuyển nhà ga quốc tế của sân bay Ataturk ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ khiến 45 người thiệt mạng và 150 người khác bị thương. Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ nghi ngờ nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) thực hiện vụ tấn công này.
4. Sau bầu cử ngày 2/7, hiện chưa có đảng nào giành đủ đa số ghế để đứng ra thành lập chính phủ mới ở Australia đẩy nước này vào nguy cơ "Quốc hội treo". Theo số liệu do Ủy ban bầu cử Australia, Liên đảng Tự do - Quốc gia cầm quyền của Thủ tướng Malcolm Turnbull giành được 71 ghế tại Hạ viện, trong khi Công đảng đối lập do ông Bill Shorten đứng đầu giành được 68 ghế.
Chủ tịch Công đảng đối lập Bill Shorten và vợ đi bỏ phiếu bầu cử. (ảnh: EPA). |
Các đảng nhỏ hay các ứng cử viên độc lập giành được 5 ghế. Để hội đủ đa số đứng ra thành lập chính phủ mới, một đảng phải giành được ít nhất 76 trên tổng số 150 ghế tại Hạ viện Australia. Các hoạt động kiểm phiếu tại Hạ viện sẽ bị dừng lại trong ngày 3/7 và nối lại vào mùng 5/7 tới.
Với hoạt động kiểm các lá phiếu gửi qua đường bưu điện trong mấy ngày tới, theo truyền thống, sẽ mang lại tỉ lệ ủng hộ cao hơn cho liên minh cầm quyền của Thủ tướng Turnbull.
Phát biểu trước những người ủng hộ sáng sớm 3/7, ông Turnbull bày tỏ tin tưởng sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này: “Dựa trên những lời khuyên từ các quan chức trong đảng, chúng tôi hoàn toàn tự tin vào chiến thắng có thể đứng ra thành lập một chính phủ liên minh đa số. Các hoạt động kiểm phiếu đang sắp hoàn tất”. Bầu cử Australia: Cuộc đua song mã
Lãnh đạo Công đảng đối lập Bill Shorten không dự đoán chiến thắng sẽ giành cho Đảng này, nhưng ông khẳng định sức mạnh của Công đảng đang gia tăng chỉ 3 năm sau khi bị thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử trước đó.
Ông Bill Shorten nhấn mạnh: “Chúng ta chưa biết kết quả cuộc bầu cử như thế nào và kết quả sẽ được công bố trong vài ngày sắp tới. Tuy nhiên, có một điều tôi chắc chắn rằng Công đảng đang quay trở lại”.
5. Những trận mưa lớn nhiều ngày đã gây ra tình trạng lũ lụt nghiêm trọng tại các tỉnh phía Nam Trung Quốc, cuộc sống hàng triệu người bị xáo trộn. Trong đó chịu thiệt hại nặng nề nhất là tỉnh Hồ Bắc, một địa phương có dòng sông Trường Giang chảy qua.
Mưa lũ khiến vỡ đê một số nơi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng triệu người. (ảnh: Reuters). |
Mưa lũ khiến vỡ đê một số nơi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng triệu người, chính quyền địa phương đã phải di dời khẩn câp hơn 330.000 người đến nơi an toàn. Ở một số nơi, nước tiếp tục dâng cao vượt quá mặt đê.
Mưa lũ cũng kéo đổ nhiều căn nhà và huỷ hoại hàng nghìn hecta hoa màu. Theo thông báo từ chính quyền tỉnh Hồ Bắc, tính đến 10h sáng 3/7 (theo giờ địa phương), mưa lũ đã làm 27 người thiệt mạng, 12 người mất tích, 16.800 căn nhà bị kéo đổ hoặc hư hại, hơn 554.000 hecta hoa màu bị ngập chìm trong nước, thiệt hại trực tiếp về kinh tế ước tính gần một tỉ USD.
Trước tình hình mưa lũ nghiêm trọng tại Hồ Bắc, Uỷ ban giảm nhẹ thiên tai quốc gia Trung Quốc và Bộ Dân chính nước này đã đưa ra mức cảnh báo khẩn cấp cấp IV để đối phó với mưa lũ, đồng thời cử đoàn công tác đến khu vực phối hợp với chính quyền địa phương trong các hoạt động cứu trợ./.