1. Trung Quốc ngày 10/5 đã lên tiếng bày tỏ mong muốn giải quyết tranh chấp ở Biển Đông với Chính phủ mới của Philippines. Tuyên bố của phía Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh Hải quân Mỹ cùng ngày đã điều tàu USS William P.Lawrence tiến sát Đá Chữ Thập để “thách thức tuyên bố hàng hải quá đáng của một số bên tranh chấp ở Biển Đông”.

Navy Times dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố: “Bắc Kinh hy vọng Philippines sẽ gặp gỡ Trung Quốc và có những bước đi cụ thể nhằm giải quyết tranh chấp hiện nay và đưa mối quan hệ song phương trở lại phát triển tốt đẹp như trước”.

Theo ông Lục Khảng, dù hai bên có quan hệ lâu đời, mối quan hệ này đã bị ảnh hưởng “bởi những sự kiện trong vài năm gần đây vì những lý do mà ai cũng biết rõ”- ám chỉ động thái tăng cường bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông của Philippines và việc Hải quân Mỹ điều tàu thách thức những động thái hiếu chiến của Trung Quốc trong khu vực.

Trung Quốc cũng đang rất kỳ vọng vào Tổng thống mới được bầu của Philippines Rodrigo Duterte. Ông này đã tuyên bố sẽ tiến hành đàm phán trực tiếp với phía Trung Quốc về tranh chấp ở Biển Đông.

2.Tổ chức Giám sát Nhân quyềnSyriacho biết, hôm qua (10/5), tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng đã cắt đứt tuyến đường viện trợ quan trọng cho thành phố Palmyra. Tuyến đường này gần với sân bay Al-Tayfur, nằm giữa hai thành phố Homs và Palmyra. Hiện cả hai thành phố này đều do quân đội chính phủ Syria kiểm soát.

Thành phố cổ Palmyra tan hoang sau các cuộc giao tranh. (Ảnh: AFP)

Giám đốc Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria, ông Abdul Rahman cho biết, các tay súng IS đã mở một cuộc tấn công quy mô lớn nhất trong nhiều tháng qua, tại các khu vực phía Đông của thành phố Homs. Cuộc tấn công đã cắt đứt tuyến đường viện trợ đến thành phố Palmyra – khu vực mới được quân đội chính phủ Syria giải phóng ngày 27/3 vừa qua.

Hiện IS đang bao vây thành phố Palmyra từ mọi phía, ngoại trừ phía Tây Nam. Khu vực gần nhất mà IS kiểm soát nằm cách thành phố Palmyra khoảng 10km.

3.Anh, Pháp, Mỹ và Ukraine hôm qua (10/5) lên tiếng phản đối yêu cầu của Nga, bổ sung thêm 2 nhóm vũ trangSyriavào danh sách đen khủng bố của Liên Hợp Quốc và không được tham gia vào các cuộc đối thoại hòa bình Syria.

Nhóm Ahrar al-Sham bị Nga đưa vào danh sách trừng phạt. (Ảnh: AFP)

Theo yêu cầu của Nga, nhóm vũ trang Jaish al-Islam và Ahrar al-Sham nên được đưa vào danh sách trừng phạt, vì có mối liên hệ với Al-Qaeda và nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Tuy nhiên, yêu cầu này đã vấp phải sự phản đối của một số nước khi cho rằng, những nhóm vũ trang này đều là các bên tham gia thỏa thuận ngừng bắn. Nếu yêu cầu của Nga được thực hiện, sẽ gây hậu quả nghiêm trọng và tác động đến những nỗ lực giảm bạo lực tại Syria.

Một nhà ngoại giao của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng cho rằng, liệt 2 nhóm vũ trang này vào danh sách đen sẽ là hành động phản tác dụng, hủy hoại những nỗ lực của các bên duy trì lệnh ngừng bắn và nối lại các cuộc đàm phán hòa bình tại Geneva.

4.Sáng 11/5 đã xảy ra vụđánh bomxe tại một khu vực thương mại, nơi có đông người Hồi giáo dòng Shiite, tại thủ đô Baghdad của Iraq, làm ít nhất 64 người chết và hàng chục người khác bị thương.

Hiện trường vụ đanh bom. (Ảnh: AP)

Các quan chức Iraq cho biết, vụ đánh bom gần khu chợ đông đúc nên số người thiệt mạng có thể tiếp tục tăng cao. Nhiều người bị thương trong tình trạng nghiêm trọng.

Nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ngay sau đó đã lên tiếng nhận trách nhiệm thực hiện vụ đánh bom tại thủ đô Baghdad của Iraq.

Trong tuyên bố đưa ra, IS cho biết mục tiêu thực hiện vụ đánh bom liều chết này nhằm vào các tay súng  người Shiite.

5. Các chuyên gia nghiên cứu Mỹ ngày 11/5 cho biết, các hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy không có dấu hiệu Triều Tiên sắp tiến hành thử hạt nhân.

Ảnh chụp từ vệ tinh bãi thử hạt nhân ngầm ở Punggye-ri. (Ảnh: 38north.org)

Nhận định của các chuyên gia tại Viện nghiên cứu Mỹ- Triều Tiên thuộc Trường đại học Johns Hopkins đưa ra, sau khi các quan chức Hàn Quốc cảnh báo khả năng cao Triều Tiên có thể tiến hành thử hạt nhân để thể hiện sức mạnh quân sự, chào mừng thành công của Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên vừa bế mạc.

Các bức ảnh cho thấy, hoạt động tại địa điểm thử hạt nhân ngầm ở Punggye-ri, khu vực đông bắc nước này vẫn khá yên bình. Những hình ảnh  trước đó cho thấy, có nhiều phương tiện hiện diện gần vị trí trung tâm là hoạt động chuẩn bị cuối cùng của một vụ thử hạt nhân.

Tuy nhiên các chuyên gia cũng cảnh báo, hoạt động xung quanh khu tổ hợp vẫn diễn ra ở mức thấp, cho thấy khả năng có thể tiến hành các vụ thử ngay sau khi Triều Tiên đưa ra quyết định./.