1. Ngày 3/12, cảnh sát trưởng thành phố San Bernardino, ông Jarrod Burguan thông báo đã phát hiện thấy 12 thiết bị giống bom cùng hàng nghìn băng đạn tại nhà của của Syed Farook và Tashfeen Malik, 2 vợ chồng nghi phạm tiến hành vụ xả súng kinh hoàng ở California hôm 2/12, làm ít nhất 14 người thiệt mạng.
Nghi phạm vụ xả súng Syed Farook. (ảnh: Facebook). |
Ngoài ra, 4 khẩu súng sử dụng trong vụ tấn công này được mua hợp pháp. Cũng theo ông Burguan, số nạn nhân bị thương trong vụ xả súng đã tăng lên 21 người.
Bên cạnh đó, trợ lý giám đốc Cục Điều tra Liên bang FBI tại khu vực Los Angeles, David Bowditch cho biết thêm, nghi phạm Farook đã từng tới Pakistan.
Theo 2 quan chức khác của FBI, gã này cũng đến Saudi Arabia để tham dự lễ hành hương đến thánh địa Mecca trong vài tuần của năm 2013. Trong chuyến đi này, Farook gặp Tashfeen Malik, một người Pakistan. Sau đó, Malik đến Mỹ vào tháng 7/2014 theo diện hôn thê của Farook và được cư trú hợp pháp.
CNN thông tin, gã Farook từng liên hệ qua điện thoại và qua mạng xã hội với hơn một kẻ đang nằm trong danh sách điều tra của FBI về tội khủng bố, dù việc liên lạc không diễn ra thường xuyên.
Tuy nhiên, cả Farook và vợ đều chưa từng có tiền án tiền sự, hoặc có biểu hiện cực đoan hóa cho đến khi vụ xả súng xảy ra. Hiện cảnh sát vẫn đang tiếp tục điều tra xem liệu các cuộc trò chuyện giữa Farook với những kẻ nằm trong danh sách khủng bố có liên quan đến vụ xả súng ngày 2/12 hay không.
Trong một diễn biến liên quan, trong sô 14 nạn nhân thiệt mạng do vụ xả súng ở California có một nạn nhân là một phụ nữ gốc Việt tên là Tin Nguyen, 31 tuổi, đến từ Santa Ana (Quận Cam). Cô Tin Nguyen chuyển đến Mỹ cùng với mẹ vào năm 8 tuổi.
Một phụ nữ gốc Việt tên là Tin Nguyen, 31 tuổi, đến từ Santa Ana (Quận Cam) đã thiệt mạng trong vụ xả súng ở California. (ảnh do gia đình cung cấp cho NBC News). |
Sau khi tốt nghiệp ngành khoa học sức khỏe ở Cal State Fullerton, cô Tin trở thành một thanh tra ngành thực phẩm ở Sở Y tế San Bernardino được 4 năm nay.
Những người thân trong đình đã kể lại rằng Tin Nguyen là một cô gái tốt bụng, vui vẻ. Trước khi vụ việc đáng tiếc xảy ra, Tin đang sắp sửa chuẩn bị làm đám cưới vào năm 2017 với San Trinh, một kỹ sư cơ khí đến từ Westminste.
2. Lần đầu tiên sau vụ bắn hạ chiếc Su-24 của Nga, cuộc gặp Nga- Thổ đã diễn ra bên lề một hội nghị của OSCE tại Belgrade (Serbia) vào ngày 3/12.
Sau cuộc gặp với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 3/12, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết ông không thấy có động thái gì mới từ phía Ankara sau vụ bắn hạ chiếc Su-24 của Moscow.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. (ảnh: AP). |
Ông Lavrov nói: “Tôi đã gặp người đứng đầu Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ theo yêu cầu từ phía Ankara, tôi chẳng nghe thêm được điều gì mới cả. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ chỉ xác nhận lại những gì mà Tổng thống và Thủ tướng nước này đã tuyên bố công khai. Chúng tôi đã lặp đi lặp lại quan điểm của mình”.
Về phần mình, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Сavusoglu cũng cho biết cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga không giải quyết bất kỳ vấn đề nào trong quan hệ song phương giữa hai nước.
Kênh truyền hình Haberturk dẫn lời ông Cavusoglu nói: "Tình hình vẫn còn rất căng thẳng. Tuy nhiên, nếu nói rằng các cuộc đàm phán đầu tiên có thể giải quyết được vấn đề thì không thực tế”.
3. Ngày 3/12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã lên án Nga về việc Moscow tố cáo cả gia đình ông Recep Tayyip Erdogan trực tiếp thu lợi nhuận từ việc mua bán dầu với tổ chức khủng bố khét tiếng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Thậm chí, ông Erdogan còn tuyên bố rằng ông cũng có bằng chứng về sự tham gia của Nga trong việc mua bán dầu khí với IS.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. (Ảnh AFP). |
Ông Tayyip Erdogan cho biết, có 2 công dân Nga, một người là doanh nhân George Hasawi, một người là kỳ thủ cờ vua Kirsan Ilyumzhinov, có liên quan đến các hoạt động mua bán dầu khí bất hợp pháp.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết ông không biết gì về lời tuyên bố này, và nhấn mạnh rằng những lời của ông Erdogan thật “kỳ lạ” sau khi Moscow đã đưa ra những bằng chứng riêng về sự đồng lõa của Thổ Nhĩ Kỳ trong vụ mua án dầu khí với IS vào ngày 2/12.
4. Ngày 4/12, cảnh sát Thái Lan cho biết, 10 công dân Syria có liên hệ với IS đã xâm nhập vào Thái Lan vào nửa cuối tháng 10 để tấn công các “lợi ích” của Nga tại Thái Lan.
Cảnh sát Thái Lan đã tăng cường an ninh ở những khu vực mục tiêu mà phía Nga lo ngại. (ảnh minh họa: AFP). |
Nhận được cảnh báo từ Cơ quan An ninh Liên bang Nga, Cơ quan Điều tra Đặc biệt Thái Lan (phụ trách các vấn đề an ninh quốc gia) đã tiến hành theo dõi, phát hiện các nghi can đã đến thành phố ven biển Pattaya, đảo Phuket, Bangkok và 1 địa điểm không được xác định.
Cảnh sát Thái Lan đã tăng cường an ninh ở những khu vực mục tiêu mà phía Nga lo ngại. Cảnh sát Thái Lan từ chối tiết lộ danh tính các nghi can người Syria.
Nga đã tăng cường hợp tác an ninh với các nước sau khi một máy bay của Nga bị IS cài bom và rơi ở Sinai, Ai Cập làm 224 người chết.
5. Ngày 4/12, các quan chức an ninh Ai Cập cho hay môt chai bom xăng quăng vào một hộp đêm ở Cairo (Ai Cập) đã khiến 18 người chết cháy hoặc chết ngạt.
|
Một trong các quan chức này nói rằng kẻ tấn công là một nhân viên bị sa thải khỏi hộp đêm này. Hộp đêm nằm ở khu Agouza giữa trung tâm thủ đô của Ai Cập, theo hãng tin Reuters.
Các tin tức khác cho biết, vụ tấn công xảy ra sau một cuộc cãi cọ giữa các nhân viên hộp đêm và một nhóm thanh niên. Nạn nhân của vụ nổ đã bị thiêu đến chết hoặc bị chết ngạt bên trong cơ sở giải trí này.
Hộp đêm gồm một nhà hàng, nằm ở bên tầng hầm. Nó không có lối thoát hiểm, các quan chức cho hay.Ít nhất 5 người bị thương trong vụ tấn công./.