1.Ngày 15/10, sau ba tuần bất đồng sâu sắc về Syria, Ngavà Mỹ đã nối lại các cuộc thương lượng về tình hình cuộc chiến tại quốc gia Trung Đông này ở thành phố Lausanne, Thụy Sĩ.

24h1_un_gizr.jpg
Cuộc nội chiến kéo dài hơn 5 năm qua ở Syria vẫn chưa có lối thoát. (Ảnh: un.org)
Theo Đài phát thanh Thụy Sĩ (RTS), các cuộc thảo luận sẽ chủ yếu bàn về đề xuất do Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura đưa ra liên quan tới việc di tản các tay súng thánh chiến của Mặt trận Al-Nusra, nhằm thiết lập một lệnh ngừng bắn mới. 

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh các máy bay chiến đấu của Nga và quân đội Syria tiếp tục oanh kích dữ dội tại Aleppo của Syria. 

Điều đáng chú ý là trong cuộc họp lần này có sự tham gia của các nhân tố khu vực đang can dự vào Syria, gồm Iran, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar.

2. Ngày 14/10, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã yêu cầu đội ngũ cố vấn an ninh quốc gia phải thay đổi các nỗ lực ngoại giao nhằm giảm thiểu sự đổ máu tại Syriavà sớm chấm dứt cuộc xung đột ở nước này.

Một cuộc họp của Tổng thống Mỹ Barack Obama với các cố vấn an ninh. (Ảnh: AP)

Tổng thống Obama đã triệu tập Hội đồng An ninh quốc gia để họp bàn về các bước đi mới, trong bối cảnh nước này vừa cắt đứt đối thoại với Nga sau khi lệnh ngừng bắn ở Syria bị đổ vỡ.

Nhà Trắng cho rằng, trong khi công tác đối thoại song phương với Nga bị đình chỉ thì những cuộc trao đổi với các nước quan trọng là rất cần thiết "nhằm hối thúc các bên ủng hộ một lệnh ngừng bắn bền vững và lâu dài".

3. Theo kết quả của một cuộc thăm dò dư luận của Reuters / Ipsos được công bố ngày 14/10, ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ Hillary Clinton đang dẫn trước đối thủ Donald Trump của đảng Cộng hòa 7%.

Bà Clinton tiếp tục chiếm ưu thế trước ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng. (Ảnh: AP)

Cuộc thăm dò dư luận của Reuters / Ipsos được tiến hành từ ngày 7 – 13/10 cho thấy, có 44% cử tri Mỹ được hỏi ủng hộ bà Clinton, trong khi chỉ có 37% ủng hộ ông Trump.

Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh vừa có thêm hai người phụ nữ tố cáo tỷ phú Donald Trump tấn công tình dục họ cách đây nhiều năm.

Kristin Anderson, 46 tuổi, nói rằng đã bị ông Trump sàm sỡ tại một hộp đêm ở Manhattan đầu những năm 1990. Theo bà Anderson, hai người chưa nói chuyện hay gặp mặt trước khi vụ việc xảy ra.

Một người phụ nữ khác là Summer Zervos, 41 tuổi, người từng là thí sinh cuộc thi truyền hình thực tế Apprentice thì cáo buộc Trump đã tấn công tình dục bà hồi năm 2007. Vụ việc xảy ra khi ông Trump đã có vợ, bà Melania Trump. 

Trước đó, New York Times đăng tải cuộc phỏng vấn với hai người phụ nữ cáo buộc tỷ phú Mỹ từng sàm sỡ họ vào khoảng năm 1980 và 2005.

4. Tờ Bangkok Post dẫn lời ông Peerasak Porjit, Phó Chủ tịch Hội đồng Lập pháp quốc gia (NLA) ngày 14/10 cho biết, Chủ tịch Hội đồng Cơ mật Prem Tinsulanonda là người nhiếp chính tạm thời sau khi Nhà Vua Bhumibol Adulyadej qua đời.

Chủ tịch Hội đồng Cơ mật Prem Tinsulanonda là người nhiếp chính tạm thời sau khi Nhà Vua Bhumibol Adulyadej qua đời. (Ảnh: Quang Trung)

Theo ông Peerasak Porjit, việc Tướng Prem được chọn làm người nhiếp chính tạm thời là phù hợp với Hiến pháp Thái Lan. Cụ thể, Hiến pháp quy định, Chủ tịch Hội đồng Cơ mật chính là người nhiếp chính tạm thời khi Ngai vàng bị bỏ trống.

Theo quy định này, nhiệm vụ của người nhiếp chính tạm thời sẽ kết thúc sau khi Hội đồng Lập pháp quốc gia (NLA) mời người kế vị Ngai vàng lên ngôi.

Trước đó, ngày 13/10, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã thông báo với NLA rằng, người kế vị Ngai vàng – Hoàng Thái tử Maha Vajiralongkorn muốn “dành thời gian cho tang lễ, cùng với người dân Thái Lan” trước khi bước lên Ngai vàng.

Chính vì lý do đó, việc có một người nhiếp chính tạm thời là cần thiết trong giai đoạn chuyển tiếp hiện nay. Phó Thủ tướng Thái Lan Wissanu Krea-ngam đêm 14/10 cũng đã xác nhận thông tin Chủ tịch Hội đồng Cơ mật Prem Tinsulanonda là người nhiếp chính lâm thời.

5. Ngày 14/10, Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) tuyên bố ủng hộ quyết định kéo dài  thời hạn thỏa thuận ngừng bắn của Tổng thống Juan Manuel Santos tới hết năm nay.

Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos khẳng định, người dân Colombia vẫn luôn hy vọng vào một tương lai không còn tiếng súng. (Ảnh: AP)

Đây là một nỗ lực mới nhất của chính phủ Colombia và FARC nhằm đạt một thỏa thuận hòa bình mới sau khi thỏa thuận hòa bình giữa hai bên đã bị cử tri bác bỏ trong cuộc trưng cầu ý dân hôm 2/10.

Trước đó, cùng ngày, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos tuyên bố kéo dài lệnh ngừng bắn với Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia đến cuối năm.

Ông Santos khẳng định, nhiều người dân Colombia đang chờ đợi kết quả của tiến trình thỏa thuận và hy vọng vào một tương lai không còn tiếng súng.

“Chúng ta sẽ nỗ lực để chấm dứt bạo lực này mãi mãi, để những người phải sơ tán được trở về nhà, và tạo ra cơ hội cho tất cả những người được sống trong hòa bình, phát triển, có việc làm. Chúng ta không được bỏ lỡ cơ hội này”, ông Santos nói./.