1.Lời cảnh báo được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Ukraine tiến hành các vụ tấn công khủng bố ở bán đảo Crimea hồi đầu tuần dù phía Ukraine bác bỏ điều này.

russia_ukraine_orca.jpg
Ukraine và Nga đang "nhìn về 2 hướng" trong vấn đề Crimea. Ảnh minh họa AP

Phát biểu với báo giới tại Sochi, nơi diễn ra phiên họp của Hội đồng liên chính phủ Á – Âu, Thủ tướng Medvedev cho biết, việc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine chỉ là một phương án và hiện Nga chưa có quyết định nào về vấn đề này.

Mỹ và nhiều nước phương Tây đã bày tỏ quan ngại về căng thăng mới giữa Nga và Ukraine, đồng thời kêu gọi hai nước kiềm chế và tránh xa các hành động làm leo thang căng thẳng.

Nhà Trắng ngày 12/8 ra thông báo cho biết, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Ông Biden hối thúc Tổng thống Poroshenko thực hiện phần nhiệm vụ của mình để tránh leo thang căng thẳng với Nga. Phó Tổng thống Biden cũng cho biết, Mỹ sẽ kêu gọi Nga thực hiện điều tương tự.

Trong khi đó, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Federica Mogherini cùng ngày đã hối thúc Ukraine và Nga tránh bất cứ hành động nào có thể làm leo thang căng thẳng.

2. Các vấn đề chính trị được cho là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới loạt vụ đánh bom gây rúng động Thái Lan trong những ngày qua.

Đó là thông tin được đưa ra trong cuộc họp của giới chức an ninh Thái Lan tối 12/8 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwon.

Hiện trường một vụ đánh bom tại Thái Lan. Ảnh AP

Tuy nhiên, theo thông tin từ tình báo Thái Lan, họ đã có một số báo cáo về hoạt động của tổ chức IS tại Malaysia. Vì vậy, không thể loại trừ nguyên nhân các vụ tấn công này có thể do IS đứng sau.

Một nguồn tin từ Bộ Công nghệ Truyền thông và Thông tin Thái Lan (ICT) cho biết, các thẻ sim trong những chiếc điện thoại dùng để kích nổ những trái bom đến từ Malaysia.

Còn một đặc điểm nữa là cách thức tấn công của những kẻ đánh bom tại Thái Lan vừa qua khác với cách tấn công của những nhóm hồi giáo cực đoan ở phía Nam nước này.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn tới các vụ đánh bom hàng loạt tại Thái Lan vào tối 11 và sáng 12/8 vẫn là từ những bất đồng chính trị ở trong nước.

Vụ việc này có thể là động thái của bên chống đối chế độ hoặc những kẻ muốn làm mất uy tín của Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia (NCPO) Thái Lan sau cuộc trưng cầu ý dân vào hôm 7/8 về dự thảo điều lệ do quân đội hậu thuẫn, trong đó hầu hết người đi bầu bỏ phiếu ủng hộ Hiến pháp.

3. Hafiz Saeed Khan- thủ lĩnh IS phụ trách Afghanistan và Pakistan- đã thiệt mạng trong một đợt không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ.

Theo Reuters, thông tin trên được người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Gordon Trowbridge công bố ngày 12/8 và cho biết, đợt không kích trên được tiến hành ngày 26/7 trong một chiến dịch chung giữa lực lượng đăhc nhiệm Mỹ và Afghanistan tại tỉnh Nangarhar.

Tên Hafiz Saeed Khan trong một video tuyên truyền của IS. Ảnh Reuters

Trước đó, Đại sứ Afghanistan tại Pakistan Omar Zakhilwal cũng đã đưa ra thông tin tương tự: “Tôi có thể khẳng định rằng, thủ lĩnh IS phụ trách Afghanistan và Pakistan Hafiz Saeed Khan cùng với các chỉ huy và binh sĩ của hắn đã bị tiêu diệt trong một đợt không kích của Mỹ tại tỉnh Nangarhar”.

Cái chết của tên Khan được cho là một đòn giáng mạnh vào tham vọng mở rộng hoạt động của IS từ lãnh thổ Syria và Iraq sang Afghanistan và Pakistan, nơi có nhiều tổ chức khủng bố khác như Taliban và al-Qaeda đang hoạt động.

Tên Khan là thủ lĩnh lâu năm của lực lượng Taliban tại Pakistan. Hồi tháng 10/2014, hắn đã tuyên thệ trung thành với thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi.

Đây là vụ tiêu diệt được thủ lĩnh cao cấp của một tổ chức khủng bố thứ 2 mà Mỹ tiến hành trong khu vực chỉ trong vòng vài tháng qua. Trước đó, hồi tháng 5, một máy bay không người lái của Mỹ đã tiêu diệt được thủ lĩnh của Taliban tại Afghanistan Mullah Akhtar Mansour trong một đợt không kích tại Pakistan.

4. Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cam kết đẩy mạnh hợp tác giải quyết cuộc khủng hoảng Syria bất chấp những bất đồng giữa hai bên.

Đây là thông tin được Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif, công bố tại cuộc họp báo chung ở Ankara ngày 12/8.

Ngoại trưởng Iran Rarif (trái) bắt tay người đồng cấp Thổ nhĩ Kỳ. Ảnh AP

Phát biểu tại buổi họp báo, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu nêu rõ, bất chấp những bất đồng đang tồn tại, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran sẽ tăng cường hợp tác vì nền hòa bình lâu dài ở Syria.

Ngoại trưởng Iran bày tỏ ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ đảo chính quân sự bất thành hồi tháng trước, đồng thời ca ngợi người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã chống lại hành động lật đổ chính quyền và sử dụng vũ lực. Về vấn đề Syria, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cho biết: “Syria nên tự quyết định tương lai của mình. Thổ Nhĩ Kỳ và Iran nhất trí sẽ cùng hợp tác nhằm chống tổ chức khủng bố IS cũng như mặt trận al-Nusra tại Syria. Mặc dù hai bên có cách tiếp cận khác nhau về một số vấn đề nhưng chúng tôi đã tạo ra một đối thoại và tổ chức các cuộc gặp song phương với những người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ về các vấn đề khu vực. Chúng tôi cùng chia sẻ quan điểm rằng, khu vực này sẽ không thể chịu đựng thêm các cuộc giao tranh cũng như chủ nghĩa cực đoan”.

IS bắt cóc 2.000 dân thường ở Syria

VOV.VN -Phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bắt góc gần 2 nghìn dân thường khi di tản khỏi thị trấn miền Bắc Syria Manbej hôm qua (12/8).

5. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu ngày 12/8 cho biết đã nhận được tín hiệu tích cực từ Mỹ liên quan đến việc dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen.

Những thông tin về việc dẫn độ giáo sỹ Gulen, người đã sống lưu vong ở Mỹ từ năm 1999 được Ngoại trưởng Cavusoglu đưa ra trong cuộc họp báo chung ở thủ đô Ankara với người đồng cấp Iran Javad Zarif đang tới thăm Thổ Nhĩ Kỳ.

Giáo sỹ Gulen có thể sẽ bị dẫn độ về Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh Reuters

Ông Cavusoglu cho biết: “Những nỗ lực nhằm dẫn độ giáo sỹ Gulen vẫn đang được thực hiện. Chúng tôi đã gửi các thông tin, văn bản, tài liệu cho phía Mỹ. Bộ Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang hoàn tất hồ sơ về cuộc đảo chính với các thông tin mới mà chúng tôi nhận được, trong đó có cả các bản khai và các bằng chứng. Chúng tôi đã nhận được tín hiệu tích cực từ phía Mỹ liên quan đến quá trình dẫn độ”.

Sau cuộc đảo chính quân sự bất thành ngày 15/7 vừa qua, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ muốn dẫn độ giáo sỹ Gulen về nước với cáo buộc ông này đứng đằng sau cuộc đảo chính. Phía Mỹ cho rằng, để dẫn độ giáo sỹ Gulen, Thổ Nhĩ Kỳ phải cung cấp các bằng chứng rõ ràng chứng minh ông này có liên quan đến cuộc đảo chính chứ không phải là những lời cáo buộc.

Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi hàng chục thùng tài liệu cho giới chức tư pháp Mỹ để xem xét, đồng thời cũng không ngừng tuyên bố, việc không dẫn độ được giáo sỹ Gulen về nước sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ giữa hai nước. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan thậm chí còn nói rằng, Mỹ sẽ phải lựa chọn giáo sỹ Gulen hoặc mối quan hệ đồng minh với Thổ Nhĩ Kỳ./.